Hàng ngàn em nhỏ đến Việt Nam Quốc Tự thắp đèn trung thu trong “Trung thu yêu thương”
Ngày 6-4-2022, trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khánh thành tấm bia đá được đặt trước cung Trúc Lâm Yên Tử, với nội dung khắc toàn văn bài diễn văn của GS.TS Nguyễn Phú Trọng, bấy giờ đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội, đọc tại Lễ kỷ niệm 700 năm ngày viên tịch của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông diễn ra vào ngày 27-11-2008. Giác Ngộ xin giới thiệu nội dung văn bia này:
Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308)
Trần Nhân Tông là một trong những vị vua anh minh bậc nhất của lịch sử nước Việt; một nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng; người sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, hiện thân của sự kết hợp giữa Đạo và Đời để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Ngài là vị vua thứ ba của triều đại nhà Trần đầy hiển hách (1225-1400), người có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc giữ nước và dựng nước ở thế kỷ XIII. Trong 15 năm làm vua trị vì đất nước (1278-1293), Ngài đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần kháng chiến đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược rất hùng mạnh thời bấy giờ. Những Hội nghị Bình Than (1282), Diên Hồng (1285) đã nói lên tư tưởng của người đứng đầu đất nước trọng dân, tin dân, cố kết nhân tâm, kiên quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù – một nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Năm 1293, khi Trần Nhân Tông 35 tuổi, Ngài quyết định nhường ngôi cho con, lui về làm Thái Thượng hoàng, sau đó xuất gia tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái thiền rất đặc sắc, tích cực nhập thế và riêng có của Việt Nam.
Với những đóng góp to lớn cho Dân tộc và Đạo pháp, Trần Nhân Tông đã được người đời sau suy tôn là Đức vua – Phật hoàng, một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử nước Việt. Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đời và Đạo, Đạo và Đời luôn luôn hòa quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước.
Với Đời, Ngài là vị vua nhân từ, thông tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân. Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược. Trong hòa bình thì dành hết tâm sức, tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, mở mang đất nước. Ngài ra sức chăm lo việc nông tang cày cấy, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, mở mang dân trí, chiêu dụ nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hóa. Trong xử thế thì nghiêm khắc với những việc làm sai trái của vua quan, quần thần, kể cả với con mình khi đã làm vua; khoan thứ cho người có lỗi đã biết hối cải, xóa bỏ mọi tị hiềm, tập hợp mọi người chung tay xây dựng đất nước. Với nước ngoài thì thực hiện chính sách kết tình giao hảo, hòa hiếu lân bang, mở mang bờ cõi, nhằm giữ nền hòa bình lâu dài cho đất nước.
Với Đạo, Trần Nhân Tông là vị thiền sư đắc đạo, có nhiều triết lý sâu sắc, khéo kết hợp lấy Giới đức, Định đức, Tuệ đức làm nền tảng để xây Đời. Việc xuất gia tu hành của Ngài không chỉ giản đơn để tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Ngài chủ trương qua tín ngưỡng Phật giáo để nuôi Tâm, Trí, Đức, dạy đạo làm người; bồi đắp tính độc lập, tự cường; phát huy sự thuận hòa trong nhân tâm trăm họ, tạo ra sự hòa hợp quốc gia, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, gia đình,… tạo cội rễ cho sức mạnh lâu bền của đất nước. Người có ý thức rất rõ trong việc mượn Đạo để xây Đời và qua Đời để dựng Đạo; Đạo và Đời luôn gắn bó với nhau.
Chúng ta cùng kính cẩn nghiêng mình, tỏ lòng biết ơn tiền nhân và ngưỡng mong Ngài cùng các bậc anh hùng liệt sĩ tiếp tục phù hộ, độ trì cho non sông nước Việt quốc thái dân an; đồng thời chúng ta nguyện ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc, thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước.
Tôi tin tưởng rằng, toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi sắt son chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc nước Việt muôn vàn yêu quý của chúng ta ngày càng vững mạnh, nối tiếp tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, “Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” của Đức vua Trần Nhân Tông và tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt đường hướng hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng toàn dân xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hàng ngàn em nhỏ đến Việt Nam Quốc Tự thắp đèn trung thu trong “Trung thu yêu thương”
Thái Nguyên: Tịnh xá Linh Sơn trao 200 phần quà cứu trợ đồng bào ảnh hưởng bởi bão số 3 (bão Yagi)
Học viện Phật giáo VN tại Huế tổ chức Lễ trao bằng tốt nghiệp Cử nhân Phật học khóa XI (2020-2024)
Tăng Ni, Phật tử TP.HCM góp hơn 3,5 tỷ đồng gởi đồng bào ảnh hưởng bão lũ ở miền Bắc