Thứ ba, 30/04/2024 07:06:14 (UTC+7) 92

Hành trạng Thiền sư Vô Ngôn Thông

Sư họ Trịnh, quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm xứ Vũ Châu. Tánh Sư điềm đạm ít nói mà thông minh, nên thời nhân gọi là Vô Ngôn Thông.

Hành trạng Thiền sư Vô Ngôn Thông

Sư họ Trịnh, quê ở Quảng Châu, không biết năm sanh, chỉ biết tịch năm 826. Sư vốn ít nói, bản tánh điềm đạm nhưng rất thông minh, xuất gia ở chùa Song Lâm xứ Vũ Châu, thời nhân quí kính gọi là Vô Ngôn Thông.

Vô Ngôn Thông tức là không ngôn ngữ nhưng thông suốt. Ngài không nói nhiều nhưng kinh tạng đọc qua là thấu suốt hết. Vô Ngôn Thông là một trong những vị sáng tổ của thiền tông Phật giáo Việt Nam. Vị đầu tiên truyền thiền vào nước ta là thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi, người Ấn. Vị thứ hai khoảng năm 820 đến Việt Nam là thiền sư Vô Ngôn Thông. Hiện nay vẫn còn di tích chùa Kiến Sơ ở Bắc Ninh là nơi ngài đến ở đầu tiên.

Sư lễ Phật, có một thiền khách hỏi:

– Tọa chủ lễ đó là cái gì?

Sư đáp:

– Là Phật.

Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi:

– Cái này là Phật gì?

Sư không đáp được.

Đến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ thiền khách, thưa:

– Hôm nay Thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào?

Thiền khách hỏi:

– Tọa chủ được mấy hạ?

Sư thưa:

– Mười hạ.

Thiền khách bảo:

– Đã từng xuất gia chưa?

Sư càng thêm mờ mịt.

Thiền khách khuyên Sư đồng đến tham học với Mã Tổ. Đi đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã tịch, bèn đến yết kiến Bá Trượng Hoài Hải.

Ngài là người đầy đủ đức độ, đã ra làm trụ trì, nên được chư thiện hữu tri thức quan tâm hướng dẫn. Khi ngài lễ Phật, có một thiền khách hỏi: Tọa chủ lễ đó là cái gì? Câu hỏi này với chúng ta thì sẽ được trả lời bằng kiến thức Phật học, giải thích cho một lô. Nhưng người xưa không có kiểu đó, chỉ chuyên trong việc tu hành thôi. Một câu hỏi bất ngờ như vậy, ngài giật mình.

Sư đáp: Là Phật. Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi: Cái này là Phật gì? Câu đầu đáp là Phật. Dĩ nhiên lễ Phật rồi. Chùa nào lại không có Phật. Nhưng khi thiền khách chỉ tượng Phật hỏi là Phật gì? Ngài không đáp được. Nếu chúng ta, mình sẽ nói nào là Phật gỗ, Phật đồng, Phật thạch cao, Phật xi-măng… Ở đây không phải hỏi như thế.

Đến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ thiền khách, thưa: Hôm nay Thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào? Đây là biểu hiện đức điềm đạm, chân chính của người chỉ cầu đạo giác ngộ giải thoát, không có việc khác. Bấy giờ tất cả ngô ngã ý tư lặng hết, cầu thầy chỉ dạy. Chúng ta ngày nay thua xa, đã làm trụ trì thì không thể nào cúi mình như vậy. Thân cao một thước, ngã cao hai thước, ba thước… cứ thế mà nhân rộng ra, cho nên rất khó học đạo.

Thiền khách hỏi: Tọa chủ được mấy hạ? Sư thưa: Mười hạ. Hồi xưa trong thời tùng lâm thịnh đạt, tất cả các đạo tràng đều áp dụng thanh qui của tổ Bách Trượng. Các vị đi hành cước, để nhận sự huấn luyện của thiền sư cũng không phải ít. Pháp hội có cả nghìn người, hai nghìn người. Trong nước có rất nhiều đạo tràng, nhiều pháp hội theo từng pháp môn riêng. Những nơi đó gọi là trường thi Phật hay trường làm Phật. Hành giả dù tu pháp môn nào cũng phải thọ giới đầy đủ, đàng hoàng.

Sau thời gian thử nghiệm ban đầu, hành giả được thọ giới Sa di ứng pháp. Các vị Sa di ứng pháp được thầy huấn luyện kỹ, đưa đến giới trường, chư Sư truyền thọ chính giới tức là giới Tỳ-kheo. Xong rồi trở về tu luyện trải qua năm năm, mười năm, nghiên tầm kinh luật luận, đồng thời nỗ lực công phu nhiều hơn, để đánh chết con khỉ ý thức của mình.

Ngài thưa 10 hạ, tức là đã thọ Tỳ-kheo 10 năm. Giới lạp cở đó không phải nhỏ đâu. Vậy mà thiền khách hỏi: Đã từng xuất gia chưa? Thầy này mới lạ. Đã mười hạ rồi mà hỏi xuất gia chưa. Sư mờ mịt. Thiền khách khuyên Sư đồng đến tham học với Mã Tổ.

Đi đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã tịch, bèn đến yết kiến Bá Trượng Hoài Hải. Bấy giờ ngôi sao độc chiếu ở vùng trời Trung Hoa là đạo tràng của thiền sư Bá Trượng. Nơi này phát xuất những qui chế, luật lệ được áp dụng cho tăng đoàn, không chỉ Trung Hoa mà lan sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Từ xưa đến nay, Thanh Quy Bá Trượng vẫn còn nguyên giá trị quy củ của tùng lâm nghiêm cẩn.

Một hôm, trong giờ tham vấn, có vị tăng hỏi Bá Trượng:

– Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?

Bá Trượng đáp:

– Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu.

Nghe câu này, Sư hoát nhiên đại ngộ.

Thiền sư Vô Ngôn Thông khi đến đạo tràng của tổ Bá Trượng đã là một Thượng tọa rồi, rất chững chạc trong giờ học pháp. Nhân vị tăng hỏi, Hòa thượng đường đầu trả lời: Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu. Ngang đây ngài ngộ đạo. Tâm không có vọng tưởng thì trí tuệ hiển hiện, quá rõ ràng. Tuy nhiên, trải qua 10 năm tu học, thiền sư Vô Ngôn Thông mới nhận được ý chỉ này.

Sau, Sư về Quảng Châu trụ trì tại chùa Hòa An. Có người hỏi:

– Thầy phải thiền sư chăng?

Sư đáp:

– Bần đạo chẳng từng học thiền.

Sư lặng thinh giây lâu, gọi người kia.

Người kia đáp:

– Dạ!

Sư chỉ cây tông lư (cây móc).

Ngài đến chỗ Bá Trượng chỉ nghe đối đáp rồi ngộ. Như vậy cũng có thể là chưa học thiền. Nhưng chỗ này phải cẩn thận, tổ sư không bao giờ muốn cho chúng ta kẹt vướng bất cứ nơi đâu, kể cả việc tu học. Người thật tu học không nghĩ mình có tu học. Cho nên ngài nói chẳng từng học thiền.

Sư lặng thinh giây lâu, gọi người kia. Người kia đáp: Dạ! Sư chỉ cây tông lư. Chỉ tông lư là sao? Là ông không khác gì cây đó. Tuy rằng kêu ông dạ, nhưng không ngộ được, chẳng khác cây tông lư. Nếu người kia vừa dạ vừa biểu hiện gì đó, thì chắc là được truyền pháp. Chỉ dạ rồi thôi, cho nên ngài đành chỉ cây móc.

Một hôm, Sư bảo Huệ Tịch đem giường lại. Huệ Tịch đem đến.

Sư bảo:

– Đem lại chỗ cũ.

Huệ Tịch vâng theo.

Sư hỏi:

– Cái giường ở bên này là vật gì?

– Không vật.

– Cái giường để bên kia là vật gì?

– Không vật.

Sư gọi: Huệ Tịch!

Huệ Tịch đáp: Dạ!

Sư bảo: Đi!

Huệ Tịch là đệ tử lớn của Quy Sơn, ngài cùng với thầy sáng lập ra tông Quy Ngưỡng. Ngài đã xong việc, ở trong tông môn là vị tác gia sáng đạo.

Sư hỏi: Cái giường ở bên này là vật gì? Không vật. Trả lời chính xác. Cái giường để bên kia là vật gì? Không vật. Cũng không sai. Sư gọi: Huệ Tịch! Huệ Tịch đáp: Dạ! Sư bảo: Đi! Người xong việc trả lời rất nhanh, rất chính xác. Thiền sư sáng suốt nhưng giản dị. Chúng ta ngược lại, suy nghĩ trăm chiều, trả lời lung tung nên chẳng đúng đâu vào đâu cả. Thiền sư kêu thì dạ, nhưng đằng sau cái dạ đó biểu thị được chỗ chân thật, như thế mới gọi là ngộ đạo.

Năm Canh Tý niên hiệu Nguyên Hòa đời Đường (820 TL), Sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng (Bắc Ninh). Ở đây trọn ngày, Sư ngồi xoay mặt vào vách suốt mấy năm mà không ai biết, chỉ thiền sư Cảm Thành (trụ trì chùa này) biết Sư là vị cao tăng đắc đạo trong nhà thiền. Cảm Thành hết lòng kính trọng tôn thờ Sư làm thầy.

Ngài đến nước ta ở chùa Kiến Sơ, chỉ yên lặng tọa thiền, không nói gì cả. Tương truyền ngôi chùa này trước là dinh thự của một đại quan Phật tử. Ông từng học hỏi Phật pháp và có công phu tu tập. Một hôm trong giấc ngủ, có người mách nếu chỉnh đốn lại chỗ này thành đạo tràng, về sau có Bồ-tát đến đây làm lợi ích chúng sanh. Nghe thụy ứng như thế, ông sửa sang ngôi nhà đó thành chùa Kiến Sơ.

Quả nhiên, chùa dựng xong không bao lâu thì có chư tăng đến, thiền sư Vô Ngôn Thông cũng trong số đó.

Bấy giờ Trụ trì chùa Kiến Sơ là ngài Cảm Thành, rất có đạo hạnh. Thấy thiền sư Vô Ngôn Thông là nhân vật đặc biệt, không nói nhưng không việc gì không thông suốt nên ngài Cảm Thành khởi tâm quý kính, phụng thờ làm thầy, sống với nhau rất tâm đắc, bình thường, mộc mạc.

Cuộc sống tĩnh lặng như vậy mấy năm, tuy nhiên rất cảm thông. Nếu không nói mà không gặp đệ tử đắc pháp nữa thì chỉ còn là vô ngôn, chứ không được lưu thông.

Một hôm, Sư gọi Cảm Thành đến bảo:

– Ngày xưa Tổ sư là Nam Nhạc Hoài Nhượng khi sắp tịch có dặn mấy lời:

Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sanh. Tâm vô sở sanh pháp vô sở trụ. Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại, phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa. Nghĩa là: Tất cả các pháp đều từ tâm sanh. Tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ. Nếu đạt tâm địa chỗ trụ không ngại.  Chẳng gặp thượng căn dè dặt chớ dạy.

Chính vì dè dặt nên ngài rất ít nói.

Tất cả các pháp đều từ tâm sanh. Tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ. Lời này đúng với tinh thần kinh Kim Cang. Không trụ tâm chỗ nào, mới sanh tâm kia. Đó là chỗ Lục Tổ Huệ Năng đã nhận được từ kinh Kim Cang.

Nếu đạt tâm địa chỗ trụ không ngại, Chẳng gặp thượng căn dè dặt chớ dạy. Tuy nhiên như vậy, người đạt được tâm thì tự tại vô ngại, không dính mắc. Nếu không gặp người bậc thượng, hiểu được chỗ này thì không nên nói gì.

Nói xong, Sư chắp tay thị tịch, nhằm năm Bảo Lịch thứ 2 đời Đường (826 TL). Cảm Thành rước Sư lên hỏa đàn, thu hài cốt xây tháp thờ ở núi Tiên Du.

Núi Tiên Du là ngọn núi thiêng của Việt Nam. Có những vị thiền sư đời Lý vào núi Tiên Du tu hành thành đạo. Người xưa bảo núi này cọp sói dữ dằn lắm, không có bóng người lai vãng. Khi ra Bắc, chúng tôi có đến núi Tiên Du chùa Phật Tích, bây giờ nhìn giống như đồi đất vậy, chỉ còn một ít gộp đá ở trên. Vô thường dọn dẹp sạch sẽ hết, kể cả ngọn núi thiêng cũng thay hình đổi dạng.

Thiền viện Thường Chiếu

XEM NHIỀU