Thứ hai, 22/04/2024 15:47:44 (UTC+7) 62

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước

Huyền ảo tuyệt tác “Long vân khế hội”

Bức “Long vân khế hội” là một tuyệt tác trên trần chánh điện cũ Diệu Đế quốc tự sau khi được dịch chuyển lùi phía sau hiện đang được bảo tồn khá tốt trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Bức tranh từng là đề tài được tranh luận sôi nổi nhiều năm về trước về việc giữ lại chánh điện cũ hay hạ giải. Việc hạ giải cũng đồng nghĩa xóa sổ tuyệt tác này.

Dời chánh điện để giữ tuyệt tác tranh rồng

Nhà chùa đã quyết định giữ lại tác phẩm này bằng cách thuê thần đèn Nguyễn Văn Cư từ TP. Hồ Chí Minh ra để dịch chuyển chánh điện, để ngày hôm nay bức tranh vẽ rồng tuyệt đẹp vẫn còn nguyên trạng. Những ngày mùa Xuân tết Giáp Thìn 2024 – chúng tôi tìm về lại ngôi cổ tự nằm ở số 110 đường Bạch Đằng, hướng ra bờ sông Đông Ba để chiêm ngưỡng tác phẩm xếp vào hàng cực hiếm.

Chánh điện cũ của Diệu Đế quốc tự được thần đèn Nguyễn Văn Cư và các cộng sự, sự hỗ trợ khối lượng máy móc hiện đại đã dịch chuyển lùi sâu gần 20m so với vị trí cũ vào cuối năm 2022. Quyết định này được xem là khá táo bạo của nhà chùa sau rất nhiều thời gian tính toán cân nhắc. Sau hơn một tháng, ngôi chánh điện nặng hơn ngàn tấn cũng được dịch chuyển thành công. Thời điểm đó, việc dịch chuyển ngôi chánh điện ngoài đảm bảo an toàn, phải giữ được tính nguyên vẹn của bức tranh bằng mọi giá.

Bức tranh “Long vân khế hội” trên trần chánh điện chùa Diệu Đế

Sau khi dịch chuyển về vị trị mới, ngôi chánh điện đã được trùng tu lại một cách khang trang. Ngoài giữ nguyên các bệ thờ, giờ đây bên trong không gian này được đặt các tủ kinh sách, phục vụ cho việc tu học cho các tu sĩ của chùa.

Nhìn từ dưới lên, tác phẩm “Long vân khế hội” vẫn nguyên vẹn và lung linh, như chưa hề có sự thay đổi, dịch chuyển trước đó. Bức tranh có chiều dài hơn 10m, rộng gần 11m, ôm gần như trọn trần của chánh điện, vẽ 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần điện và 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn theo một điển tích xưa của nhà Phật.

Nhiều người thăm lại chùa Diệu Đế đã không khỏi trầm trồ khi nhà chùa vẫn giữ được lại chánh điện cũ, và quan trọng hơn giữ được tuyệt tác vào hàng quý hiếm về mỹ thuật. “Những con rồng được vẽ trên trần chánh điện cũ của chùa Diệu Đế quá đẹp, quá điêu luyện. Trải qua những thăm trầm của lịch sử, những đắn đo trong công cuộc trùng tu, nhà chùa vẫn giữ lại được, quả là việc làm hiếm thấy”, anh Nguyễn Duy Vũ (TP. Huế) tấm tắc khen.

Chánh điện cũ chùa Diệu Đế sau khi được dịch chuyển lùi phía sau đã được tu bổ, gia cố

Mong được bảo tồn cách tốt nhất

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngôi chánh điện này được Hòa thượng Diệu Hoằng đứng ra tái kiến cùng với sự kêu gọi đóng góp của Đức Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại), công việc này được thực hiện từ năm 1953 đến 1955.

Lễ khánh thành được tổ chức vào năm 1955. Và bức “Long vân khế hội” được vẽ trong giai đoạn từ 1953-1955, chứ không phải được vẽ từ thời Khải Định như một số thông tin đã đưa. Trần của chánh điện không phải được đúc bằng bê tông cốt thép vững chắc mà được làm theo lối rải lưới thép trát vữa, chất lượng khá thấp. Dù chùa đã liên hệ được với một số người từng sống tại chùa Diệu Đế trong giai đoạn từ năm 1951 trở về sau để tìm hiểu nhưng vẫn không rõ thông tin tác giả.

Trước đó, kể từ khi vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1844, chùa Diệu Đế có kết cấu gỗ theo lối kiến trúc cung đình đặc trưng của triều Nguyễn – vốn phát triển lên từ kiểu kiến trúc nhà rường Huế. Công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu, quy mô về sau tuy không bằng ban đầu, nhưng vẫn giữ theo kiểu kiến trúc cũ cho đến năm 1951.

Ngày nay, chùa Diệu Đế là một danh lam tiêu biểu của Huế, vùng đất được mệnh danh là xứ sở Thiền kinh. Hàng năm, Lễ tắm Phật, rước Phật của Phật giáo Huế được tổ chức tại chùa trong mùa Phật đản. Điểm đặc biệt ở đây là ngôi chùa này mang nhiều đặc trưng yếu tố cung đình, gắn liền với vua Thiệu Trị, vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn. Kể từ khi ra đời cho đến năm 1945, chùa Diệu Đế được triều Nguyễn xếp vào hàng Quốc tự (cùng với các chùa Giác Hoàng, Thiên Mụ và Thánh Duyên).

Thượng tọa Thích Hải Đức, Giám tự chùa Diệu Đế nói rằng, sau khi dời chánh điện cũ lùi lại phía sau, nhà chùa đã cho gia cố tường vách xung quanh, còn lại gần như không đụng chạm gì đến bức bịch họa “Long vân khế hội” ở trên trần. Nay chánh diện này trở thành nhà tổ để thờ Phật, thờ vua…

“Chúng tôi cố gắng giữ lại tác phẩm, còn việc bảo quản nhà chùa gần như không can thiệp được vì không đủ khả năng”, thầy Hải Đức chia sẻ và cho hay khi đưa lùi về sau, còn được nâng cao lên so với trước nên không gian khá thông thoáng. Thầy Hải Đức cũng mong muốn, trong tương lai có các chuyên gia cũng như gặp những người “cùng chí hướng” để tìm cách bảo tồn tốt nhất có thể tác phẩm vẽ về rồng độc đáo, hiếm có nằm trong ngôi cổ tự nổi tiếng vùng đất Cố đô.

XEM NHIỀU