Mỗi khi về quê, tôi luôn tìm đến chùa, ngồi dưới bóng mát của tán cây bồ-đề và lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng. Luôn luôn có một cảm giác bình yên mà thanh thản tràn về khi tôi đặt chân đến nơi đây. Vẫn con đường nhỏ hai bên có trồng cây xanh
Mỗi khi về quê, tôi luôn tìm đến chùa, ngồi dưới bóng mát của tán cây bồ-đề và lắng nghe tiếng chuông chùa vang vọng. Luôn luôn có một cảm giác bình yên mà thanh thản tràn về khi tôi đặt chân đến nơi đây.
Vẫn con đường nhỏ hai bên có trồng cây xanh dẫn vào chùa, vẫn cổng tam quan lặng lẽ, vẫn mái ngói đỏ au… ngôi chùa ở đó lẳng lặng nằm nghe từng hơi thở của làng quê và đi vào đời sống tinh thần của bao người với tính cách một tín ngưỡng không gì thay thế.
Chùa quê yên bình và nhỏ nhắn. Như thể cách một vị ẩn sĩ chọn lối sống ẩn mình tránh xa cuộc đời phồn hoa, ngôi chùa tĩnh lặng đến trang nghiêm mà lại ấm áp vô cùng. Chùa ở quê không rộn ràng người đến, không nhiều hương khói mụ mị nên bầu không khí trong lành và thoáng đãng.
Mỗi lần tới chùa, sự yên tĩnh luôn là điều tôi cảm nhận rất rõ. Dường như ngay cả một chiếc lá rơi, một làn gió, một hồi chuông ngân cũng có tâm tình. Ở đó mỗi người được tĩnh lặng nhìn sâu vào bản ngã của chính mình.
Mỗi lần lắng nghe từng hồi chuông chùa vang vọng, lòng tôi cảm thấy bình yên và tâm trí như chợt bừng tỉnh. Dường như chẳng có âm thanh nào chạm sâu vào hồn người đến thế. Mỗi nhịp chuông vang lên những giọng ngân nga trầm lắng, gợi lên trong lòng người bao suy tưởng, như đưa mỗi người đi xuyên cả không gian và thời gian để tìm về với chính mình của buổi còn sơ khai.
Thuở nhỏ tôi thường cùng chúng bạn đến chùa. Chúng tôi có khi đến để học bài, có khi đến chơi đùa. Chúng tôi thường tìm đến khoảng sân rộng mát của chùa để chơi ô ăn quan. Ngoài những giờ ở lớp, chùa là nơi bọn trẻ chúng tôi luôn có mặt. Những ngày nghêu ngao ngồi học bài dưới tán bồ-đề và lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang thỉnh thoảng vẫn hiện về trong tâm hồn tôi cùng những kỷ niệm thời thơ ấu.
Từ xa xưa, đã có thời tiếng chuông chùa gắn liền với sinh hoạt của người dân ở quê. Mỗi sáng khi sương trắng vẫn còn là là đậu trên những ngọn cây, khi ánh măt trời vẫn còn đang le lói, mùi khói bếp nhà ai lan tỏa ấm nồng… thì âm thanh của tiếng chuông chùa bỗng vang vọng giữa thinh không. Âm thanh ấy cũng giống như hơi thở của cuộc sống.
Khi tiếng chuông chùa điểm, những sinh hoạt thường nhật lại bắt đầu. Mẹ thức dậy nhóm bếp thổi lửa nấu cơm để bọn trẻ chúng tôi ăn no đến lớp; tiếp đó, mẹ lại chuẩn bị cơm để ba dắt trâu ra đồng. Theo tiếng chuông chùa, có người thức dậy ra chợ cùng gánh rau quê, có người lại lục đục chuẩn bị món ăn để kịp bán buổi sáng. Chú gà trống thức dậy đập cánh gáy o o. Đàn gà con theo mẹ lon ton đi kiếm mồi. Cuộc sống cứ thế nhẹ nhàng trôi qua trong yên bình. Từng hồi chuông chùa vẫn ngày ngày gắn liền với con người trong những thói quen thường nhật.
Chùa ở quê hiền hòa và gần gũi như đụn rơm, ngọn cỏ, mái nhà. Không chỉ bên cạnh con người trong những sinh hoạt thường nhật, một mái chùa quê cũng chính là nơi neo đậu và an ủi tinh thần cho những người lao động chất phác thật thà khi cuộc sống mưu sinh còn nhiều âu lo vất vả. Lắng nghe tiếng chuông ngân xa, trầm mặc và vang vọng khắp làng quê, dường như mỗi người đều cảm nhận một sự thức tỉnh. Những ai đã từng gắn bó với mái chùa, đình làng đều sẽ hiểu rằng tiếng chuông chùa là sự khởi đầu cho một ngày mới bình yên và an lành.
Mỗi lần nghĩ về ngôi chùa làng, tôi lại bồi hồi nhớ đến câu thơ của Hòa thượng Huyền Không Thích Mãn Giác:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Hay bốn câu thơ của nhạc sĩ Võ Tá Hân:
Vì vậy làng tôi có thái bình,
Sớm chiều gần gũi tiếng chuông linh,
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi,
An ủi dân lành mọi mái tranh.
Gần gũi với cuộc sống của con người tự bao đời, mái chùa đã trở thành nơi quy hướng tâm linh để con người hoan hỉ tìm tới, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống và làm sống dậy niềm hy vọng. Với người dân Việt Nam đã và đang gắn bó với đạo Phật, một mái chùa, một tiếng chuông ngân là những gì thân thương gần gũi nhất trong cuộc sống tâm linh và tình cảm của con người bên cạnh cuộc sống hằng ngày với nhiều mưu toan vất vả.
Ngày nay, với sự phát triển của đạo Phật, cùng với cây đa giếng nước, mái đình, mái chùa quê đã trở thành hình ảnh thân thương và gần gũi với bao người. Với những người xa quê đã lâu, ngoài hương đồng, hương lúa, ngoài âm thanh một tiếng gà đập cánh gáy o o, tiếng con trâu, con nghé ọ kêu mẹ, âm thanh một tiếng chuông chùa đã hình ảnh thường trực trong nỗi nhớ của bao người.
Quê hương giờ đây không chỉ là lũy tre làng, là chùm kế ngọt hay là con đò nhỏ, quê hương còn là mái chùa, là tiếng chuông ngân, là hình ảnh và thanh âm thân thuộc của đức hạnh, của sự thức tỉnh, của chánh niệm luôn ngân vang trong lòng mỗi người.
Như nhà thơ Nguyễn Bính đã từng viết một cách đầy tự hào:
Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm trăng rằm,
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Văn phòng 2 Trung ương tưởng niệm tuần chung thất và an vị di ảnh cố Hòa thượng Thích Huệ Trí
TP.HCM: Trung ương Giáo hội thân mật đón tiếp ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan
“Duyên 6 – Phút giây hiện tại”: Giá trị nhân văn và sự tỉnh thức
Hội Từ Thiện Chùa Tường Nguyên khởi động chương trình “Trung thu cho em 2024”