Thứ năm, 18/04/2024 14:28:27 (UTC+7) 81

Những chìa khóa cần có trước khi tụng đọc kinh Pháp Hoa

Tú Quỳnh

Tôi xin trao cho quí vị hai cái chìa khóa để khi đi vào thăm viếng Pháp Hoa, quí vị có thể tự mình thấy được cái Diệu Pháp, để hành trì kinh một cách có lợi lạc. Chìa khóa số 1: Nhận diện Tích môn và Bản môn Như đã nói ở trên, tổng

Những chìa khóa cần có trước khi tụng đọc kinh Pháp Hoa

Tôi xin trao cho quí vị hai cái chìa khóa để khi đi vào thăm viếng Pháp Hoa, quí vị có thể tự mình thấy được cái Diệu Pháp, để hành trì kinh một cách có lợi lạc.

Chìa khóa số 1: Nhận diện Tích môn và Bản môn

Như đã nói ở trên, tổng quát, kinh có thể được chia ra làm hai phần, một phần có dính líu nhiều đến Đức Bụt của lịch sử, gọi là Tích môn.  Phần thứ hai nói về kinh lý muôn đời, về giáo pháp vượt khỏi thời gian và không gian, trình bày cái bản chất của Pháp, gọi là Bản môn.

Chìa khóa để giúp quý vị khi đọc Pháp Hoa có thể nhận ra cảnh giới mình đang tiếp xúc là:  Trong kinh Pháp Hoa, khi nào mắt của mọi người nhìn xuống đất, nhìn vào cây cối, vào đồi núi, vào nhau, thì lúc đó ta biết mọi người đang ở trong thế giới sinh diệt Tích môn. Khi tầm mắt mọi người nhìn lên không trung, thì lúc đó mình bắt đầu đi vào thế giới vô sinh vô diệt của Bản môn.  Chỉ cần nhớ như vậy thì khi đọc kinh Pháp Hoa, ta sẽ không thấy bị ngỡ ngàng, phân vân.

Ví dụ, khi thấy Hội Pháp Hoa diễn ra trên Núi Thứu, mọi người ngồi trên mặt đất, ta biết nó đã xãy ra trong thế giới Tích môn.  Nhưng khi thính chúng nhìn lên tháp Đa Bảo ở trên không, thì mình biết rằng kinh đang trình bày những hiện tượng thuộc về Bản môn.

Nhận ra được thế giới mà kinh đang diễn bày, ta sẽ không phân vân, ngỡ ngàng với ngôn từ trong kinh,  đặc biệt là trong Bản môn.  Vì trong đó mọi Pháp đều vượt thoát thời gian và không gian, cho nên ta thấy kinh thường nói đến những con số rất lớn, như vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp.  Tất cả những ngôn từ đó đều dùng để diễn bày cái ý niệm về thời gian vô tận và không gian vô biên ở trong pháp giới Bản môn, không giống như trong thế giới Tích môn, tức là cõi ta bà.

Ví dụ như trong phẩm thứ 16, Như Lai Thọ Lượng, đoạn thứ hai, Bụt nói: Ví như năm trăm nghìn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi tam thiên, đại thiên, giả sử có người nghiền làm vi trần, qua phương Đông, cách năm trăm nghìn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi nước, bèn rơi một bụi trần, đi qua phía Đông như thế cho đến hết vi trần đó. Và ở đoạn 3, Bụt nói tiếp:  Các thế giới đó hoặc dính vi trần hoặc chẳng dính, đều nghiền cả làm vi trần, cứ một vi trần là một kiếp, từ ta thành Phật nhẫn lại đến nay, lại lâu hơn số đó trăm nghìn muôn ức na-do-tha a-tăng kỳ kiếp. Đây chỉ là một phương tiện để diễn bày cái ý niệm về thọ lượng của Như Lai trong cái không gian vô biên và thời gian vô tận ở trong pháp giới Bản môn.

Tương tự như vậy, trong phẩm thứ 15, phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, khi hàng triệu vị Bồ Tát thân đẹp như vàng ròng, từ dưới đất trồi lên, an trú trong hư không, và dùng những âm thanh rất vi diệu để ca ngợi Bụt và sự ca ngợi đó kéo dài đến năm mươi tỉ kiếp, thì đây cũng là một cách để diễn đạt về bản chất của thời gian ở trong Bản môn: một giây phút chứa đựng cả ngàn đời, và thiên thu cũng chỉ là một giây phút.

Chìa khóa số 2: Lãnh ý buông lời

Tất cả những tư tưởng uyên áo và đặc thù của kinh Pháp Hoa đều được trình bày bằng các bức tranh có tính cách thực tiễn.  Ngôn ngữ hội họa và điêu khắc của đạo Bụt đã được tận dụng để diễn bày ý kinh.  Người sử dụng những hình ảnh này để nói lên những ý tưởng thâm diệu trong đạo Bụt, phải là một thi sĩ rất lớn.

Nhiều khi những hình ảnh này có tính cách thần thông, nhưng tất cả chỉ là phương tiện quyền xảo của người chép kinh, sử dụng ngôn ngữ hội họa và điêu khắc của đạo Bụt để diễn đạt những tư tưởng uyên áo mà kinh muốn diễn bày.  Đó là một điểm rất đặc thù của kinh Pháp Hoa.  Vì vậy khi tụng đọc, chúng ta phải thấy cho được ý kinh và đừng bị kẹt vào lời kinh, nếu không thì khi đọc, ta chỉ thấy toàn các phép thần thông mà chẳng học được gì từ kinh Pháp Hoa cả.

Ví dụ như trong Phẩm thứ 21, Phẩm Như Lai Thần Lực, đoạn thứ hai, chúng ta thấy Bụt thực hiện một phép thần thông lớn, Ngài lè lưỡi ra, và lưỡi của Ngài che lấp cả tam thiên đại thiên thế giới, rồi từ các lỗ chân lông trong người của Ngài phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, và những tia sáng đó cho ta thấy được tất cả các cõi nước trong mười phương.  Chủ ý của bức tranh này là để diễn bày cái khả năng lớn lao của một vị toàn giác.  Trong kinh điển Đại Thừa cũng như Nguyên Thủy, ánh sáng tượng trưng cho sự giác ngộ.  Bụt Thích Ca là ánh sáng chánh niệm, và ánh sáng đó phát tỏa ra từ Pháp thân của Ngài.  Cho nên từ các lỗ chân lông trong người của Ngài phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, chỉ là một nghệ thuật trình bày, một bức tranh diễn tả cái ánh sáng chánh niệm rất lớn, rất mạnh, tỏa chiếu ra từ Pháp thân của đức Như Lai.  Nó cũng giống như trong các tranh hay tượng mình thường thấy, để cực tả cái khả năng an tọa của Bụt, người ta đã đặt Ngài ngồi trên một đóa hoa sen.

Mặt khác, lưỡi của Ngài che lấp cả tam thiên đại thiên thế giới, đây là hình ảnh của Quảng trường Thiệt tướng, tức là cái lưỡi lớn và dài, một trong 32 tướng tốt của đức Bụt.  Bức tranh này là để diễn tả một người chỉ nói sự thật tuyệt đối, chỉ nói đệ nhất nghĩa đế mà thôi.  Đây là một hình ảnh của văn hóa Ấn độ, nó không phải chỉ có trong đạo Bụt mà nó có trong những truyền thống có trước đạo Bụt, những người nói sự thật, thường có lưỡi rất lớn.

Trong những bài Pháp thoại kế tiếp, tôi sẽ diễn bày ý chính của từng phẩm, hầu giúp quí vị dễ dàng hiểu thấu ý kinh trong khi tụng đọc, mà hành trì Pháp Hoa một cách có lợi lạc hơn.

Kinh Pháp Hoa đang được oai thần hỗ-trợ truyền-trì của Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Dược Vương, cùng vô số chư vị Bồ Tát trong cõi ta bà.  Đó là ý nghĩa của các phẩm thứ 28 (Phổ Hiền Bồ Tát), phẩm thứ 23 (Dược Vương Bồ Tát), và phẩm thứ 15 (Tùng Địa Dũng Xuất).  Vì vậy cho nên khi tụng đọc và hành trì Pháp Hoa đúng theo chánh Pháp, thì không thể nào ta lại không tạo được vô lượng phước duyên.

Muốn tụng đọc và hành trì Pháp Hoa đúng theo chánh Pháp, trước tiên ta phải hiểu kinh Pháp Hoa.

XEM NHIỀU