Thứ ba, 16/04/2024 05:21:49 (UTC+7) 141

Những phái thiền không phải của đạo Phật

Tú Quỳnh

Tu thiền có nhiều pháp mà ngày xưa chính tôi khi tu cũng rất khổ sở. Bởi vì thời của tôi nói tu thiền nhưng người tu ít giản trạch, nên có những phái thiền không phải của đạo Phật mà người ta vẫn đem ra tu.   Như vậy tu theo Phật để cầu

Tu thiền có nhiều pháp mà ngày xưa chính tôi khi tu cũng rất khổ sở. Bởi vì thời của tôi nói tu thiền nhưng người tu ít giản trạch, nên có những phái thiền không phải của đạo Phật mà người ta vẫn đem ra tu.

nhung phai thien khong phai cua dao phat2.jpg

 

Như vậy tu theo Phật để cầu giác ngộ, để giải thoát sanh tử mà lại tu đường lối khác. Ðã tu đường lối khác thì khi nhắm mắt sẽ đi lối khác, trái với bản nguyện ban sơ của mình. Vì vậy quí vị cần phải nhận định kỹ, Thiền nào của đạo Phật, Thiền nào không phải của đạo Phật. Trước tiên, tôi nói Thiền không phải của đạo Phật.

1. Một là thiền chuyển luân xa

Tức là tưởng từ rún chạy lên đầu, vòng ra sau lưng rồi lại về rún, lên đầu. Chạy vòng tròn như vậy gọi là chuyển luân xa. Chuyển luân xa là pháp tu ở ngoài, không phải của đạo Phật.

2. Hai là thiền xuất hồn

Xuất hồn là mở những khiếu huyệt của mình, phóng tinh thần (hay gọi là hồn) bay đi học đạo với những bậc thầy mà mình chưa từng biết; hoặc xuất hồn mong tìm gặp vị minh sư.

Khi xuất hồn, không biết minh sư là ai, nên vị nào nói minh sư liền tin, người ta dạy cái gì cũng làm theo. Ðó là họa lớn vô cùng, lớn ở hai mặt.

Mặt thứ nhất là trong khi mở khiếu huyệt để xuất hồn, có người mở không khéo phát điên.

Mặt thứ hai là khi mình xuất hồn tìm bậc minh sư, gặp ai xưng minh sư mình cũng nhận liền, không có cái nhìn giản trạch ai chánh, ai tà.

Vì vậy dễ bị những vị thần linh đánh lừa, xưng là minh sư nhận mình làm đệ tử, mình liền đi theo. Như vậy đã lạc hướng mà mình không hay. Thiền này của ngoại đạo, không phải của đạo Phật.

3. Ba là thiền thai tức

Nghĩa là hít vô tới đan điền nín lại mười phút, năm phút hay ba phút rồi thở ra. Lâu ngày bụng nó phì ra, gọi đó là thai, vì giống như phụ nữ có thai. Bụng lớn là do hơi thở nên gọi là tức. Vì vậy Thiền này được gọi là Thiền thai tức. Thiền này không phải là Thiền của đạo Phật.

4. Bốn là hiền luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần

Nhiều người trẻ tu thấy khổ về bệnh tinh khí quá, nên dùng tưởng đem tinh lên không cho xuống, để luyện thành thần khí. Ðó là Thiền của những vị tu Tiên, chớ không phải Thiền của đạo Phật. Thiền này chỉ đưa đến kết quả sung sướng được bay đi, được thần thông v.v… chớ không giải thoát.

5. Năm là thiền Yoga, còn gọi là Du-già

Thiền này cũng có nhiều cách, khi ứng dụng tu phát tâm từ bi, thương yêu tất cả. Nhưng trọng tâm của Thiền này là luyện cho thân thể khỏe mạnh, mục đích trị bệnh nhiều hơn cầu giải thoát.

Phật dạy rằng: “Nếu tu mà nghĩ giữ thân này được lâu dài là si định.” Tại sao? Hồi tôi còn là Học tăng, có một cư sĩ tu Thiền theo lối luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần. Lúc đó tôi bị bệnh sốt rét. Thấy tôi lên cơn trùm mền, ông cười nói: “Tu gì bệnh hoạn hoài, tôi tu không có bệnh.”

Nghe nói tôi cũng ham, liền hỏi ông tu ra sao, ông nói tu theo pháp luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần này sẽ giúp cho thân thể khỏe mạnh. Mỗi lần ông ngồi thiền đầu cứ lắc lư. Trong nhà Phật gọi là si Thiền. Tại sao si? Vì thân này dưới con mắt đức Phật, nó là duyên hợp hư dối, vô thường sanh diệt. Vậy mà muốn giữ cái không thể giữ được, thì có phải si không?

Quý vị thấy, nói tu Tiên sống hai ba trăm năm, nhưng bây giờ tìm khắp thế gian xem có ông Tiên nào không? Các ông đi đâu mất. Ði mất hay là chết? Cuối cùng rồi cũng chết, đâu có ai sống.

Phật dạy mình tu mà nghĩ được sống lâu, được mạnh khỏe là niệm không chân chánh, tâm si mê nên còn luyến ái thân. Cho nên người tu Phật, bệnh thì mặc bệnh. Bệnh tu theo bệnh, khỏe tu theo khỏe, đừng nghĩ mạnh khỏe tu mới được.

Người tu thiền khi bệnh phải làm sao?

Chúng ta cứ nghĩ bệnh tu không được, nhưng thật ra người biết tu, bệnh là cơ hội tốt để thấy thân này là vô thường, là tướng bại hoại, là gốc của đau khổ, thấy như vậy là trí tuệ, vì thấy đúng như thật.

Như vậy chúng ta tu bằng trí tuệ, không phải tu bằng Thiền định. Ngồi yên là Thiền định, còn nằm quán thấy rõ thân mình là trí tuệ. Ngày xưa Phật có hai vị đệ tử cự phách, đó là ngài Xá-lợi-phất và ngài Mục-kiền-liên. Ngài Mục-kiền-liên chuyên về Thiền định, ngài Xá-lợi-phất chuyên về trí tuệ. Chuyên Thiền định nên ngài Mục-kiền-liên thường dùng thần thông, còn ngài Xá-lợi-phất dùng trí tuệ để hàng phục tất cả ma quân. Vì vậy ngài Mục-kiền-liên được gọi là thần thông bậc nhất, ngài Xá-lợi-phất được gọi là trí tuệ bậc nhất.

Cả hai đều giải thoát sanh tử nhưng ngài Xá-lợi-phất được xem như là Sư huynh. Quí vị đừng lo bệnh tu không được, chỉ sợ mình mê muội, bệnh cứ nằm rên thì tu không được. Còn sáng suốt, quán chiếu thì bệnh là cơ hội tốt để chứng nghiệm sự thật của thân này. Chúng ta mới chán ngán nó, mới mong giải thoát sanh tử.

Sở dĩ chúng ta không giải thoát sanh tử được là vì quá quyến luyến thân, nên thân này hoại liền chụp thân khác nữa. Cứ vậy mà luân hồi. Khi chúng ta đã thấy thân này tồi tệ, không có giá trị gì, không muốn được nó nữa thì đâu còn tìm thân khác. Ðã không còn tìm thân khác thì đâu có thọ sanh. Không có thọ sanh thì giải thoát sanh tử, dễ như trở bàn tay.

Trích trong “Đường lối tu thiền”

XEM NHIỀU