Tăng Ni, Phật tử TP.HCM góp hơn 3,5 tỷ đồng gởi đồng bào ảnh hưởng bão lũ ở miền Bắc
Mỗi cuối tuần hay nửa mùa hè, con được ba mẹ cho về ông bà nội. Tuổi nhỏ vô tư chưa biết rõ Phật pháp, duy chỉ nhớ rõ kí ức mỗi buổi sớm mai mặt trời chưa thức, trong cái se lạnh đầu hôm và cơn ngủ mơ màng, con nghe tiếng bà pha
Mỗi cuối tuần hay nửa mùa hè, con được ba mẹ cho về ông bà nội. Tuổi nhỏ vô tư chưa biết rõ Phật pháp, duy chỉ nhớ rõ kí ức mỗi buổi sớm mai mặt trời chưa thức, trong cái se lạnh đầu hôm và cơn ngủ mơ màng, con nghe tiếng bà pha trà, thắp hương, tụng kinh ở bàn thờ Phật.
Mùi hoa tươi mới ngoài vườn vừa hái hoà cùng hương trà xanh thơm ngát và mùi trầm hương, tiếng mõ quyện cùng lời kinh bà rì rầm trì tụng, đưa con vào miền an lành và cảm giác êm ái như được bọc trong mây.
Con ngây ngô đâu biết, tiếng mõ lời kinh đã len lỏi thấm đẫm vào giấc mơ con từ những buổi sớm mai ấy.
Cũng ở nhà nội, con xem tủ kinh sách của bà là kho báu. Chiếc tủ luôn đóng kín và sạch bóng, con vẫn nhớ mình luôn kiễng chân đứng tì mặt vào lớp kính tủ, bà bảo con còn bé, sau này lớn rồi bà sẽ cho con nhé. Con mang theo lời hứa, cứ lúc rảnh là áp mặt vào tủ đọc đi đọc lại những gáy tạp chí Phật học, bìa báo Giác Ngộ ngày đó. Mong muốn giản đơn được lớn lên thật nhanh đủ để được bà tin tưởng mở cửa kho tàng tri thức ấy.
Con nào đã biết chính những phút giây chăm chú ao ước thuần khiết khi đó, gieo vào lòng con những hạt giống thiện căn đầu tiên bén duyên cùng Phật.
Gia đình có truyền thống theo Phật, bà nội cho ba và các cô chú quy y với Hoà thượng Minh Thanh ở chùa Bửu Sơn (Quận 5). Nhưng con đợi mãi đợi mãi vẫn chưa thấy tới lượt mình. Thế nên vào 1 ngày đầu hè lớp 12, con quyết tâm tự tìm đến ngôi chùa gần nhà xin quy y, với niềm thao thiết được bước vào nhà Như Lai, làm con của Phật. Dù có chạnh lòng khi mọi người đều đi cùng gia đình, chỉ mình con bơ vơ không ai chia sẻ niềm vui khi có pháp danh, mãi sau này con mới biết, Quảng Hương Già Lam nơi con tự mình tìm đến quy y lại là nơi gia đình gửi cốt thờ của bà cố. Đâu phải con đơn độc phải không, ngay khi con bước chân vào chùa, bà cố đã cùng chư thiện thần hộ pháp đón chào con.
Con đã bắt đầu tin vào sự diệu kì của nhân duyên mà chư Phật Bồ Tát gia hộ cho con từ bấy.
Khi con vào đại học, gia đình con xảy ra biến cố đột ngột và đau thương. Gia đình phá sản, ba mẹ li hôn, mỗi ngày như sống trong chiến trường tula vây quanh bởi tiếng cãi nhau, đánh nhau, khóc lóc, oán trách. Giọt nước tràn li khi ông ngoại con qua đời đột ngột không kịp căn dặn con cháu. Người ông thân thương con gần gũi như người bạn lớn. Mọi chỗ dựa quanh con như nối nhau sụp đổ. Con trơ trọi và trống rỗng.
Nhưng cũng trong giai đoạn đau thương nhất, con gặp được quý sư phụ trong con đường tâm linh, những người thắp sáng cho con mối thiện duyên với Phật con hằng mong ước. Trong những ngày tang gia, quý thầy ở chùa Long Quang (Cần Thơ) hướng dẫn con trì chú đại bi, tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho ông ngoại. Quý thầy dạy về nhân quả, về phước – nghiệp, về sự vô thường và dễ thay đổi của các pháp. Quý thầy cho con về chùa làm công quả, giúp đỡ các cô, đi tụng kinh ở chùa và các gia đình có tang khác.
Ban đầu con đi mục đích để hồi hướng cho ông, cũng để lắp đầy thời gian và ngăn không cho mình bi thương thêm nữa. Nhưng dần dà, chính niềm hỷ lạc khi được về chùa công quả đã xoa dịu vết thương lòng con tự khi nào, chính nỗi xót xa chứng kiến nhiều thương cảnh khác nhau ở những gia đình có tang con đi tụng kinh mới thấy trên đời đâu ai thoát được chữ nghiệp, mà mình còn may mắn hơn nhiều người – vậy cớ gì buồn sầu hoài?
Chính những ngày tháng đó gọt dũa cho tâm thế con mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Ngay khi con tưởng mọi bức tường chỗ dựa của con sụp đổ thì nhờ Phật gia hộ, con tìm về và nương tựa tam bảo, để con biết khi có Phật là chỗ dựa tâm linh vĩnh hằng trong đời, con chỉ cần vững lòng tiến bước trên con đường thiện lương.
Thời gian gia đình xảy ra biến cố, con từng bất hiếu vì oán trách ba nhiều. Khi đó con chưa đủ hiểu những nghịch duyên mà số phận chồng chéo lên gia đình mình, đâu biết được rằng dẫu ai làm tổn thương ai, ai không còn duyên với ai, thì ba mẹ vĩnh viễn thương con nhất đời.
Sau thời gian học Phật và chiêm nghiệm, 3 năm con mới lần đầu về thăm ba. Vô tình giở cuốn tập trên bàn, con sững sờ và bật khóc khi thấy cuốn tập dày đặc 6 chữ: Nam mô A Di Đà Phật.
Chắc hẳn thời gian đó, nội tâm ba cũng đau đớn và tuyệt vọng lắm, mọi suy nghĩ hay mong ước đều gửi gắm vào 6 chữ vi diệu này. Con vừa xót xa cũng lại vui mừng, vì ba cũng chọn quy ngưỡng về với Phật khi cuộc đời lâm vào bế tắc. Chỉ có chư Phật luôn bên đời ta khi mọi thứ đều rời bỏ ta, ba nhỉ.
Cũng nhờ “Nam mô A Di Đà Phật”, ba con con ôm nhau trào nước mắt, giọt lệ hạnh phúc đầu tiên sau bao nhiêu nước mắt đau khổ, 1 quãng đời an nhiên bắt đầu hé lộ sau miên trường đổ vỡ.
Đến bây giờ khi đã ngoài 30, nhiều lần khó khăn hay lo lắng trong đời con đều chí thành niệm Phật trì chú, và cảm nhận rõ điều kì diệu biến chuyển mà tam bảo gia hộ cho con.
Với lòng biết ơn vô hạn và niềm tin bất lay chuyển, ngay khi đang làm trong ngành truyền thông bận rộn và hào nhoáng, con vẫn luôn muốn con chữ của mình phụng sự vì mục đích nhân văn và ý nghĩa hơn, như là lan toả ánh sáng Phật pháp theo nhiều cách trong khả năng mình. Vì nhìn lại cả quãng đời từ khi còn là cô bé ngô nghê đơn thuần đến tuổi trưởng thành nhiều va vấp và khó khăn, mỗi giây mỗi phút đều có chư Phật bên đời, dẫu ngay lúc đó con không đủ bình tâm để cảm nhận, thì bằng cách này hay cách khác, Phật và Bồ Tát đều nâng đỡ tâm hồn con qua những cơn tuyệt vọng. Đền đáp thâm ân này, đâu gì khác là đem cả thân – tâm – mạng để thực hành và lan toả chánh Pháp.
Tăng Ni, Phật tử TP.HCM góp hơn 3,5 tỷ đồng gởi đồng bào ảnh hưởng bão lũ ở miền Bắc
Văn phòng 2 Trung ương tưởng niệm tuần chung thất và an vị di ảnh cố Hòa thượng Thích Huệ Trí
TP.HCM: Trung ương Giáo hội thân mật đón tiếp ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan
“Duyên 6 – Phút giây hiện tại”: Giá trị nhân văn và sự tỉnh thức