Chủ nhật, 14/04/2024 22:44:50 (UTC+7) 86

Thí dụ bảo châu trong áo

Tú Quỳnh

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người

Thí dụ bảo châu trong áo

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Thí dụ bảo châu trong áo là một trong chín thí dụ của kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Thí dụ này nói lên hai người bạn thân: một người thì rất giàu có, một người thì nghèo cùng khốn khổ. Một hôm, anh chàng nghèo tới nhà bạn chơi và được bạn đãi ăn thịnh soạn. Sau bữa tiệc, vì quá say nên anh chàng nghèo ngủ thiếp đi, người bạn thân mới lấy bảo châu cột vào chéo áo bạn rồi âm thầm bỏ đi. Tuy có bảo châu quý giá trong áo nhưng anh chàng nghèo ngủ say quá nên không biết. Sau khi tỉnh dậy anh chàng phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống qua ngày. Lâu sau đó, hai người bạn gặp lại. Thấy bạn mình đói rách, khổ sở nên anh mới hỏi tại sao mà không dùng bảo châu để có cuộc sống tốt hơn. Sau khi biết được, anh chàng nghèo rất vui mừng và lấy hạt châu ra sử dụng thì trở nên giàu có và sung sướng.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Chúng sanh do vô minh, vọng kiến ngăn che nên cứ mãi trầm luân trong biển sanh tử và quên mất đi Phật tánh sẵn có bên trong chính bản thân mình như anh chàng nghèo không biết mình có viên bảo châu trong áo. Tâm chúng sanh luôn bị chi phối và tác động bởi trần cảnh. Do tâm cứ chạy theo vọng trần nên sanh ra vọng tưởng mà tạo thêm mãi ác nghiệp, gây ra khổ đau cho chính bản thân và cho kẻ khác. Vì sống quá lâu trong cảnh Ta Bà đầy ảo mộng, phù hoa nên sanh tâm vọng tưởng cho rằng mọi thứ đều là trường tồn, vĩnh cửu. Khi có được một chút sắc đẹp, tiền tài, danh lợi… mà tự cho là đủ rồi sanh tâm kiêu căng, khinh thường với người không được như mình. Đồng thời, ghen ghét và đố kị với những ai giỏi và thành công hơn mình. Đến khi chịu bệnh tật, tuổi già hay khi những thứ mình yêu thích mất đi hay thậm chí là tài sản, danh vọng, sức khỏe… đều bị bánh xe vô thường nghiền nát thì chịu đau đớn, khổ sở vô cùng.

Đa số chúng ta khổ rồi mới tu còn sướng quá thì chỉ nghĩ vui hưởng dục lạc. Đến khi hết phước thì đau đớn, khổ sở vô cùng như bị rơi vào vực sâu vạn trượng không lối thoát. Lúc này mới vỡ lẽ đời là ảo mộng mà bấy lâu nay ta đã tranh giành, hơn thua, phải trái. Rồi lúc này mới đi tìm lại con người thiện lành, tốt bụng và tự tại của chính mình lúc trước hay đi tìm cái chốn bình yên, hạnh phúc mà ta có thể nương tựa.

Đa số chúng ta khổ rồi mới tu còn sướng quá thì chỉ nghĩ vui hưởng dục lạc. Đến khi hết phước thì đau khổ mới quay lại tìm bình yên, hạnh phúc, tự tại mà ta xem thường nó bấy lâu. Giống như hình ảnh hai người bạn thân lâu ngày xa cách gặp lại. Đó chính là ta đi tìm Đức Phật bên ngoài để đối trị với tâm đầy phiền não, trần lao và nghiệp chướng của ta. Khi ta chưa ngộ thì Đức Phật bên ngoài là thầy giúp ta ngộ và sau khi ngộ rồi thì ta lại là thầy của chính ta. Nói cách khác nhờ hình ảnh ông Phật lịch sử, có thật, bằng xương bằng thịt bên ngoài đã tác động làm cho ta phát tâm tu khiến cho ông Phật bên trong mỗi người bừng sáng sau đêm trường vĩnh cửu.

Viên bảo châu quý giá được cột trong chéo áo tức là Phật tánh nằm trong thân tứ đại thân ngũ uẩn này. Nói cách khác, đó chính là cái chân linh vĩnh hằng, bất tử nằm ẩn trong xác thân vô thường và sanh diệt này. Do tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến mà viên bảo châu không còn sáng nữa. Nhưng khi được tắm gội trong dòng thác trí tuệ của Như Lai thì viên bảo châu ấy được bừng sáng tức là ta đã tỉnh khỏi giấc mộng lâu dài. Tâm ta lúc này dần thoát khỏi được sự chi phối của trần lao, phiền não và nghiệp chướng trên cuộc đời. Tuy rằng thân còn sống trong sanh tử nhưng khi đã bước chân vào nhà Diệu Pháp của Như Lai thì tâm ta được phần nào tự tại, an vui và toát lên được tướng giải thoát ví như anh chàng nghèo được bạn mời đến nhà chơi và được đãi ăn thịnh soạn. Nhưng ta không được tự mãn khi có được chút thành tựu như vậy dù cho chứng được quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát hay vãng sanh về Cực Lạc nói riêng và Tịnh độ mười phương Phật thì cũng vẫn chưa được viên mãn. Chúng ta phải tiếp tục cố gắng rèn dũa cho viên bảo châu này đến khi viên mãn thành Phật quả.

Chúng ta liệu có từng thắc mắc rằng tại sao bạch mã không vào diện kiến Phật tổ Như Lai khi thầy trò Đường Tăng đã đến Tây Trúc?

Chúng ta hiểu rằng bạch mã là thân tứ đại ngũ uẩn mà mỗi ngày chúng ta cưỡi. Do nó không bền sẽ thuận theo quy luật vô thường mà sinh, lão, bệnh, tử nên chỉ là chiếc thuyền phương tiện giúp ta đi từ Đại Đường (bờ mê) đến Tây Thiên (bờ giác) chứ không thể theo ta mãi được. Thân tứ đại ngũ uẩn thuộc về thế giới của sóng biển tức là thế giới thay đổi liên tục không ngừng nghỉ, thay đổi từng niệm hay từng sát na. Còn Tây Thiên hay hiểu rộng ra Tịnh độ mười phương Phật là thế giới của dòng nước biển tức là thế giới vĩnh hằng, bất tử, thế giới của tánh cảnh, thế giới vô lượng vô biên, thế giới của sát na. Vì sự khác biệt đó nên thân ngũ uẩn này không thể đi vào Tây Thiên được. Nếu muốn đi được đến thế giới của tánh cảnh này, chúng ta phải biến thân tứ đại ngũ uẩn này thành pháp thân vĩnh hằng bất tử. Để biến thân tứ đại ngũ uẩn gồm hai phần: tứ đại (đất, nước, gió, lửa )và ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) thành ngũ phần pháp thân (giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến) thì chúng ta phải tinh tấn tu tập trong nhà Diệu Pháp của Như Lai. Nhờ thế mà phước đức và trí huệ không ngừng tăng trưởng chính là tiền đề để ta thâm nhập vào thế giới Hoa Tạng do Đức Thanh Tịnh Pháp thân Tỳ Lô Giá Phật làm giáo chủ. Nói cách khác chính là đi đến được bờ giác ngộ.

Tuy là thân tứ đại ngũ uẩn có sanh thì có diệt nhưng ta không được sanh tâm coi thường và thậm chí là muốn hủy hoại thân này mà ta phải trân trọng, khi nó gặp bệnh tật thì phải điều trị… Đồng thời, không quá nuông chiều thân này mà cũng không phải ép xác khổ hạnh. Quá nuông chiều thì sẽ buông thả làm cho thân bị nhiều bệnh tật và tâm chạy theo vọng trần dẫn đến điên đảo, mộng tưởng làm cho trí huệ không phát sanh. Còn quá ép xác khổ hạnh làm cho thân thể khánh kiệt, gầy mòn và tâm mệt mỏi thì trí trệ cũng không phát sanh. Vì thân ta giống như dây đàn. Nếu quá căng thì dây sẽ đứt, còn quá chùn thì sẽ không phát ra âm thanh trong trẻo. Vì thế phải ở Trung đạo thì thân và tâm mới tu tập được rồi phước đức và trí huệ mới tăng trưởng

Cầu chúc cho quý Phật tử sớm mài dũa viên bảo châu trong chính bản thân mỗi người. Đồng thời, biến thân tứ đại ngũ uẩn thành ngũ phần pháp thân để thâm nhập vào cõi Hoa Tạng Tỳ Lô Giá Na.

XEM NHIỀU