Tăng Ni, Phật tử TP.HCM góp hơn 3,5 tỷ đồng gởi đồng bào ảnh hưởng bão lũ ở miền Bắc
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân mình rằng: “Bao nhiêu là đủ” chưa? Hầu hết chúng ta đều sống với cái dục rất lớn mà chúng ta không hề nhận ra.
Chúng ta mãi trỗi lên những mong muốn trong từng phút giây. Lúc thì mong cầu mình có cái này, lúc thì lại nghĩ muốn đến cái kia mà không nghĩ đến khả năng của bản thân, sức tài chính hay thậm chí là những cái đó có thực sự mang lại lợi ích cho chúng ta hay chỉ để thỏa mãn sáu căn trong chốc lát.
Trong một dịp tôi đi ăn ngoài, vô tình gặp lại bạn cũ thời đi học, chúng tôi trò chuyện trên trời dưới đất về cuộc sống của mình, rồi bạn ấy nói với tôi “Tôi ước gì một ngày có hơn 24h, 26, 27h càng tốt”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Để làm gì vậy?”, bạn tôi vẫn hồn nhiên đáp: “Thì để tôi dễ phân chia thời gian cho một ngày, chứ như bạn thấy đó, mình cứ loay hoay vừa học, vừa làm, cứ như thế một ngày 24h tôi cảm thấy không đủ để làm các việc khác, đành phải rút ngắn thời gian ngủ để tập trung các việc khác”. Nghe xong tôi cũng một phần cảm thấy thông cảm nhưng một phần lại sợ hãi về lòng tham của con người trong cuộc sống, muốn thay đổi cả quy luật thời gian của tự nhiên để sống thoải mái hơn cho mình. Tôi mới đáp lại: “Ví dụ một ngày có 30h vậy bạn có chắc đấy là đủ chưa?”, đắn đo một hồi bạn lại bảo: “Nếu chia thời gian một ngày cho các hoạt động từ học tập, đến làm việc, ăn uống nghỉ ngơi,… tôi thấy vẫn chưa đủ bạn ạ”. Tôi đáp ngay: “Vậy thì bao nhiêu là đủ?”, bạn bối rối không trả lời được. Như vậy có thể thấy trong bạn ấy đang tồn tại cái tham quá lớn và không biết đủ ngay trong hiện tại. Và chính điều đó làm tôi muốn chia sẻ đến mọi người một trong những lời Thế Tôn đã dạy khi Ngài còn tại thế đó là “THIỂU DỤC” và “TRI TÚC”.
Là Phật tử, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng ít nhất một lần nghe qua từ “Thiểu dục” nhưng có thể chúng ta quên nó đi hoặc chúng ta không nhớ về nó, quên tìm hiểu nó, hoặc có cả những người còn hiểu sâu về nó nhưng lại không áp dụng cho cuộc sống này, nên tôi sẽ nhắc lại để các bạn ghi nhớ và thực hành.
“Thiểu dục” tức là mong muốn ít, mong muốn ít đối với cái mà mình chưa có, vì nhu cầu cần thiết mới mong cho có, nhưng phải biết tự lượng khả năng của mình, không mong cầu điều gì, cái gì quá khả năng và sức tài chính của mình.
Nhờ vào thiểu dục thì ta mới đối trị lại được cái tham, mà cái tham là điều cần đoạn diệt thì cuộc sống mới an nhàn, thảnh thơi, không vướng bận điều gì, không ưu tư suy nghĩ về tương lai hay hối tiếc cho quá khứ. Đoạn trừ được tâm tham là con đường giải thoát của bản thân đang rộng mở hơn.
“Tri túc” là sự biết đủ, là khi ở bất kì hoàn cảnh nào cũng an phận tùy duyên, không mong cầu thêm, như cả việc ăn, mặc, ở, tự thấy bản thân đã đủ dùng rồi thì không tham cầu có thêm, hơn cái đã có. Đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, chúng ta thường mong muốn một cái điện thoại smartphone cao cấp để sủ dụng, nhưng hãy nhìn lại, bản thân mình đã có smartphone đủ chức năng là quá may mắn rồi, thì việc tham cầu thứ cao cấp hơn lại làm cho mình đắm chìm vào nó mà quên đi hiện tại cơ bản đã đủ dùng, mua mới về cũng chỉ dùng bao nhiêu đó, chỉ làm chúng ta trở nên phí phạm hơn mà thôi.
Hay đơn giản, chúng ta có xe đạp, chúng ta lại mong cầu xe máy số, có xe máy số, lại mong cầu thêm xe máy tay ga, có rồi lại tham cầu xe máy tay ga đắt tiền, thậm chí là xe hơi…. chính những cái tham cầu này đưa chúng ta đến đau khổ nhiều hơn, đưa chúng ta vào guồng xoay của vật chất và mãi không thể nào thoát ra được trừ khi tự nhận ra và sửa đổi, thực tập thiểu dục và tri túc.
Nhiều bạn trẻ hay than phiền về lương nhưng các bạn vừa có lương thì mang đi rải khắp bốn bể năm châu bằng những đơn hàng online hay những thứ xa xỉ không cần thiết. Hay thậm chí đua đòi theo bạn bè để sánh với nhau, trong khi điều đó không cần thiết, hay quá khả năng, nhưng vì muốn sánh với bạn bè nên phải tự hành hạ bản thân để có được điều đó.
Tất cả những điều này nằm trong ngũ dục, cái mà chúng ta nên đoạn trừ đó là “tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kĩ”. Khi đã đắm chìm vào nó, chúng ta sẽ mất tự chủ và chỉ còn là nô lệ cho những ham muốn của đời mình. Hay khi đắm chìm vào ngũ dục, thiếu tri túc, chúng ta sẽ làm những nghiệp ác mà chẳng gớm tay, không phân biệt nẻo chánh đường tà, nhắm mắt lao vào nơi tội lỗi vô cùng ngay cả ở hiện tại và tương lai.
Trong Kinh Di Giáo, Phật cũng đã dạy “Người biết đủ tuy nằm dưới đất mà vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ ở thiên đường vẫn không vừa ý”.
Trung Thuận Thảo
Tăng Ni, Phật tử TP.HCM góp hơn 3,5 tỷ đồng gởi đồng bào ảnh hưởng bão lũ ở miền Bắc
Văn phòng 2 Trung ương tưởng niệm tuần chung thất và an vị di ảnh cố Hòa thượng Thích Huệ Trí
TP.HCM: Trung ương Giáo hội thân mật đón tiếp ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan
“Duyên 6 – Phút giây hiện tại”: Giá trị nhân văn và sự tỉnh thức