Chủ nhật, 21/04/2024 21:53:38 (UTC+7) 39

Bậc Thầy mô phạm

Tú Quỳnh

Giản dị nhưng sâu lắng, nghiêm nghị mà từ bi, nhẹ nhàng nhưng vững chãi, uy hùng mà bao dung. Mỗi lời nói của khẩu đều là Pháp ngữ, mỗi động tĩnh của thân đều là Phật hạnh. Tùy duyên nhậm vận, trọn đời thuyết pháp cứu độ quần sinh, hòa quang đồng trần, thuận

Bậc Thầy mô phạm

Giản dị nhưng sâu lắng, nghiêm nghị mà từ bi, nhẹ nhàng nhưng vững chãi, uy hùng mà bao dung. Mỗi lời nói của khẩu đều là Pháp ngữ, mỗi động tĩnh của thân đều là Phật hạnh. Tùy duyên nhậm vận, trọn đời thuyết pháp cứu độ quần sinh, hòa quang đồng trần, thuận theo nhân tâm mà hành Phật sự.

Đó là chân dung của Hòa thượng Thượng Trí hạ Tịnh-người cha, người thầy dẫn dắt chúng con trở về nẻo sáng, trở về Tịnh độ duy tâm.

Thật là thiện duyên và phước đức đối với chúng con vì có được một người cha nghiêm trực, một bậc thầy khả kính, một đạo sư mô phạm và tài đức. Chúng con không muốn dùng những lời khách sáo, hoa mỹ để ca ngợi thêm về Hòa thượng, vì lẽ đối với đấng tài đức viên mãn thì đó là việc làm rất dư thừa. Chúng con chỉ muốn ôn lại những kỷ niệm, những hình ảnh khó phai và thân thương về người Thầy đã khắc sâu vào trong tâm trí của mình mà thôi.

Cung kính thấu hiểu rằng, Phật pháp nơi Thầy là Phật pháp viên dung giữa Đạo-Đời, viên dung giữa Sự-Lý. Đây là điều không dễ bắt gặp ở những danh tăng đương thời. Thông Tam tạng giáo điển là việc hy hữu nhưng thấm nhuần tinh thần của kinh-luật-luận vào huyết mạch cốt tủy có lẽ càng hy hữu hơn. Ở Thầy hội đủ:

“Tam tạng diệu huyền thông đạt lý

Muôn trung vạn hạnh ngộ tâm tông

Luật kinh luận giáo tam thừa diễn

Vạn Đức từ bi mãn thái không.”

Không diệu lý nào không thông đạt, không môn hạnh nào không hành thâm. Giờ đây nghĩ lại, trước kia chúng con được ngồi dưới bục giảng của Thầy hơn mười năm ở Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm là điều vô cùng may mắn, không thể nghĩ bàn.

Thông thường những bậc Giáo thọ rất bận rộn trong công tác Phật sự, họ chỉ quan tâm đến học trò ở mặt giáo dục lý thuyết, chứ ít ai có thời gian chăm sóc cho học đồ ở phương diện thực hành nội tâm. Riêng Hòa thượng thì khác, ngoài việc giảng dạy Phật lý trên lớp, Thầy còn hướng dẫn cho chúng con nếp sống hàng ngày của người tu Phật. Về lý thuyết, Thầy giảng dạy, phân tích tường tận từng câu từng nghĩa; về thực hành, Thầy mang kinh nghiệm sống của bản thân để khuyên răn tứ chúng.

Có một hình ảnh mà đến bây giờ vẫn còn in đậm trong lòng chúng con. Một lần nọ, đường từ Thiền thất sang nhà giảng, có một chú chó cuộn tròn nằm ngủ nơi bậc thang, ngăn lối bước xuống. Với người khác, có lẽ họ đã đánh thức chú chó và xua đuổi nó đi khỏi bậc thang để dễ dàng bước xuống. Nhưng không làm như vậy, Hòa thượng khoan thai vén vạt áo tràng lên, từ từ bước vào khoảng không nơi thân chú chó đang nằm cuộn, nhẹ nhàng bước qua mà chẳng làm nó thức giấc. Rõ ràng, với loài súc sinh, Thầy còn nâng niu từng miếng ăn giấc ngủ của chúng, thì với nhân loại, tinh thần vị tha sẽ mênh mông biết dường nào. Hành động này tuy đơn giản nhưng để lại cho chúng con bài học về đức từ và tinh thần vị tha vô cùng sâu sắc. Đây là hành động thiết thực, là ứng dụng cụ thể về những gì mà Thầy dạy trên bụt giảng-tinh thần Bồ-tát đạo:

“Thân giáo đồng khẩu giáo

Viên mãn dữ vô dư

Thân hành như vương tượng

Tâm không tợ thái hư.”

Trên nền tảng từ bi làm cội gốc, tuệ giác đuốc soi đường, Thầy không chỉ dạy chúng con bằng khẩu giáo mà còn thân giáo. Cuộc đời Thầy như một tấm gương trong sáng và thanh tịnh không vết bụi trần. Bất kỳ hoàn cảnh nào, lúc kinh tế của nước nhà khó khăn hay thuận lợi, chúng con vẫn luôn bắt gặp nơi Thầy chiếc áo vải thô phai màu, bửa cơm chay tịnh đạm bạc rau củ. Và đặc biệt hơn là dù khỏe mạnh hay ốm đau, Thầy cũng không cho phép thị giả thay mình giặt giũ áo quần, mền chiếu. Thanh bần và lạc đạo là nếp sống thường nhật của Thầy.

Nơi thầy, toát lên sự tịch tịnh lạ thường, đó không là sự vắng lặng của thân hạnh mà còn là sự vắng lặng của tâm hạnh. Dường như mọi hoạt động nơi Thầy đều diễn ra trên dòng chảy chính niệm, mà câu A-mi-đà là điểm tựa cốt lõi cho nền tảng chính niệm ấy. Thân hành chậm rãi, từ tốn nhưng không trì trệ, không qua loa; mỗi bước dừng là mỗi tòa kim cang bảo tháp. Động hay tĩnh, ngồi hay nằm, đứng hay đi không đâu không là diệu hạnh.

Thầy dạy sinh hoạt của người xuất gia nhất thiết phải diễn ra trong chánh niệm. Không nên vội vã hấp tấp, không được cẩu thả vụng về, nói năng hay hành động phải có chừng mực. Nhưng muốn chánh niệm bền lâu thì không có phương pháp nào hơn câu Phật hiệu.

Sau những buổi học, Thầy thường dành mười lăm hai mươi phút để dạy cho học đồ những kinh nghiệm sống. Không cần biết đó là việc gấp hay không gấp, việc nhàn hạ hay không nhàn hạ, người tu đều phải thực hành trong chánh niệm. Chẳng hạn như việc nấu nước, khi nghe nước sôi, không nên vội vã, trước khi lấy nước vào bình thủy, khoan thay ngồi xuống, khởi niệm mười câu A-di-đà, gửi câu Phật hiệu vào theo dòng nước từ vòi ấm đến miệng bình thủy.

Chừng như, tất cả lời dạy của Thầy đều là bài học thiết thực và sâu sắc với chúng con. Như tiếng chuông cảnh tỉnh, đưa chúng con trở về an trụ với chánh niệm, nơi câu Phật hiệu và trở về Tịnh độ của chính mình:

“Phật hiệu hành thật duyên

Bản tâm tròn chánh giác

Bước chân thơm ngào ngạt

Sen trắng nở đài thiêng.”

Nếu như sự bình dị thanh khiết luôn thường trực nơi hành động, lời nói và phong thái của Thầy thì chất đơn sơ mộc mạc, thiểu dục tri túc thường hằng hữu trong từng bữa ăn, trong từng chiếc khăn, vạt áo mà Thầy đang mặc. Cuộc đời Thầy như một bài kinh vô tự để chúng con nương theo tấn tu đạo nghiệp.

Còn đối với việc hành đạo, đối nhân xử thế, Hòa thượng chủ trương tùy duyên hóa độ, không vướng vào danh văn lợi dưỡng, không cầu cũng không từ. Việc gì đủ duyên thì làm; còn việc gì duyên chưa tới, duyên chưa đủ thì không cần cưỡng cầu, phải ẩn nhẫn vượt qua:

“Tùy duyên hóa độ quần mê

Đường xưa mây trắng đi về thong dong

Gậy thiền khai mở cửa không

Tam thừa giáo điển một lòng xiển dương

Đạo đời dẫu khác con đường

Viên dung một thể chơn thường tự tâm.”

Tinh thần tùy duyên nhậm vận, hòa quang đồng trần vừa là quan điểm vừa là phương châm, nó được duy trì trong suốt cuộc đời hành đạo của Thầy. Nhờ vậy, dù bận rộn bao nhiêu công tác Phật sự như giảng dạy, dịch kinh, tham gia điều hành các hoạt động của Giáo hội nhưng Thầy vẫn an nhiên, tự tại, thong dong giữa hồng trần.

Riêng đối với Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm, Hòa thượng là người đã bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tăng tài. Thầy dành rất nhiều đặc ân cho học tăng tại viện, không chỉ tận tụy trong việc giảng dạy Phật lý mà còn tường tận khai mở con đường hồi quy tự tính cho chư vị đồng tu. Chính vì nương nơi công đức ấy, chư tăng tại trụ xứ Huệ Nghiêm, sau khi hoàn tất các chương trình Phật học, đều trở thành pháp khí Đại thừa, những người ẩn tu nơi sơn lâm thì đạt được công phu viên mãn, còn kẻ tham gia công tác hoằng pháp hoặc điều hành hoạt động trong Giáo hội thì gặt hái vô số thành tựu, lợi ích cả đạo lẫn đời.

Quả thật, Hòa thượng là một trong những người đầu tiên ươm mầm và nuôi dưỡng Phật chủng nơi tịnh địa Huệ Nghiêm này. Công đức to lớn ấy mãi được khắc ghi trong lòng đệ tử chúng con và tinh thần phụng sự chúng sanh, thượng hoằng hạ hóa của Hòa thượng chắc chắn sẽ được tiếp nối và thắp sáng đến muôn đời.

Ôn lại những kỷ niệm xưa, chúng con không sao ngăn được cảm xúc thương yêu và tiếc nhớ bậc thầy khả kính-Người mà cả cuộc đời chẳng biết nghĩ chi cho riêng mình, nếu có thì đó là làm thế nào để mang tình thương và tuệ giác đến cho tứ chúng Phật môn mà thôi.

Thành kính cúi đầu đảnh lễ ân đức trong muôn một!

TỊNH ĐỘ đường xưa khai tuệ giác

VẠN LINH đất tổ nguyện quay về

MI ĐÀ một đời chuyên tu niệm

VẠN ĐỨC vàng trăng tỏa ánh khuya

THIỆN pháp truyền lưu hưng tổ đạo

CHÁNH tâm chính hạnh thoát đường mê

TRÍ khai đại mộng ngàn năm vỡ

TỊNH cảnh sen hồng hương sắc quê.

XEM NHIỀU

27/07/2024 21:59:18

UNESCO công nhận Di sản thế giới cho 7 ngôi chùa cổ

Ban Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc (CHA), một tổ chức chính phủ với nhiệm vụ bảo tồn và giới thiệu các di sản quốc gia, đã nộp đơn đề nghị UNESCO công nhận Di sản Thế giới cho 7 ngôi chùa cổ ở nước này.
27/07/2024 21:54:43

Học hạnh của Đất

Nam mô đức Bồ Tát Đại Kiên Đại Hậu Đại Lực Địa Tạng Vương và Tôn Giả Mật Hạnh La Hầu La (C)
27/07/2024 16:13:35

Học nhận lỗi

Tôi nhớ rõ lời Đức Phật dạy: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả; là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được!” (PC.228 - Phẩm Kodhavaggo).
27/07/2024 15:52:39

Câu chuyện: Doanh Nhân và Phật Pháp

Một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng vì sự nhạy bén và quyết đoán trong công việc, một ngày nọ quyết định đến một ngôi chùa nổi tiếng để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn. Sau khi nghe danh tiếng của vị hòa thượng uyên bác, ông quyết định gặp...