Thứ ba, 30/04/2024 06:10:44 (UTC+7) 53

Bốn lần kết tập kinh điển là thời kỳ nào ?

Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo do các chư Đại Trưởng Lão kết tập lưu lại những gì Đức Phật đã thuyết giảng. Trong số những Tỳ-kheo nhiệt tâm, có năng lực, có trí nhớ lâu, có thể nhắc lại nguyên văn những gì Đức Phật đã thuyết giảng đó là Tôn giả Ananda, người em họ của Đức Phật và người được chọn làm thị giả thân cận Đức Phật trong suốt 25 năm cuối đời của Ngài. Ngài Ananda rất thông minh và có khả năng ghi nhớ bất cứ những gì mà thầy đã nghe nói.

Bốn lần kết tập kinh điển là thời kỳ nào ?

Trong lịch sử của Phật giáo liên quan đến kinh điển cho hậu thế, chúng ta thấy có những lần đại hội như sau:

1) Thời kỳ kết nạp thứ nhất:

Đức Phật vừa mới nhập diệt, một số phàm tăng như Subhada đã có những thái độ và lời bất kính:” “Này các bạn! Tại sao các vị thương tiếc nhiều đến Đức Phật làm chi, Ngài đã viên tịch rồi thì chúng ta về sau sống thoải mái hơn lúc trước nhiều, không còn nghe những lời khuyên răn trách cứ nữa: ‘Hãy như thế này, hãy như thế kia …’. Kể từ hôm nay chúng ta muốn làm gì thì làm, không còn bị ràng buộc bởi các giới luật, vì Đức Phật đã viên tịch rồi“. Tôn giả Ca Diếp nghe qua rất xót xa và lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo.

Với tư cách là đệ nhất “Hạnh đầu đà”, Tôn giả Ca Diếp cùng các ngài Kiều Trần Như, Phú Lâu Na, A Na Luật…không muốn đạo pháp mai một về sau nên đứng ra triệu tập một đại hội gồm 500 vị A la hán ở thành Vương Xá ba tháng sau khi Đức Phật nhập Niết bàn với sự bảo trợ của vua A Xà Thế. Trong số 500 Tỳ kheo này, 499 vị đã đắc quả A la hán chỉ trừ tôn giả A Nan. Lúc đó, tôn giả A Nan đang ở tại thành Tỳ Xá Ly, ngày đêm thường thuyết pháp cho tứ chúng. Mọi người lui tới nghe pháp đông đúc chẳng khác gì lúc Phật còn tại thế.

Lúc ấy cũng tại đây, có một Tỳ kheo người xứ Bạt Kỳ đang ngồi thiền trên lầu, vì không khí ồn ào không thể tham thiền nhập định, bèn quán chiếu xem A Nan đã giác ngộ hay chưa, thì thấy rằng A Nan còn ở địa vị hữu học, liền đến chỗ A Nan, đọc lên bài kệ:

Ngồi dưới cây chỗ vắng,

Tâm hướng đến Niết bàn.

Thiền định, chớ phóng dật,

Nói nhiều có ích chi?”

A Nan nghe vị Tỳ kheo ấy đọc kệ như vậy, lại biết việc ngài Ca Diếp không cho mình tham dự đại hội kết tập kinh điển, nên đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm tinh tấn siêng năng đi kinh hành, mong cầu được giải thoát, nhưng vẫn chưa đạt được. Đến lúc nửa đêm, thân thể mệt mỏi tột cùng, tôn giả bèn có ý định nằm nghỉ một chút nên liền nghiêng đầu xuống gối.  Nhưng khi đầu vừa chấm gối thì bỗng dưng dứt hết lậu hoặc, có giải thoát.

Tôn giả Ca Diếp chọn thành Vương Xá làm nơi kết tập tại vì ở đây có đầy đủ các phương tiện và thực phẩm. Bấy giờ, 500 vị A La Hán liền đến thành Vương Xá. Họ chọn thạch động Satttapanna trên núi Vebhara trong thành Vương Xá (Rajagaha) làm địa điểm kết tập. Sau đó chư Thánh hiền Tăng cùng nhau kéo đến thành Rajagaha và yêu cầu vua A xà Thế giúp đở bằng cách cho nới rộng 18 Tăng đường cho chư vị kết tập có chỗ nghỉ ngơi.

Thế rồi, tôn giả Ca Diếp đề cử tôn giả Ưu Ba Ly kết tập luật tạng, và được đại chúng chấp thuận. Ca Diếp bắt đầu hỏi Ưu Ba Ly: Giới nào Phật chế trước nhất, chế tại đâu, người nào sai phạm, phạm về tội gì…. Ư Ba Ly trình bày rằng: Phật chế giới dâm trước nhất, do Tu Đề Na (Sudinna) vi phạm đầu tiên… Một người hỏi, một người đáp và cuối cùng hỏi lại đại chúng, đại chúng cũng hoàn toàn đồng ý với sự trình bày của tôn giả Ưu Ba Ly. Công việc này kéo dài đến 80 lần mới hoàn tất, gồm đủ cả giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni và được đặt tên là Bát thập tụng luật (Bộ luật được đọc đến 80 lần).

Sau đó, tôn giả Ca Diếp đề cử tôn giả A Nan kết tập kinh tạng và cũng được đại chúng đồng ý. Tôn giả A Nan lần lượt kết tập các kinh sau đây: Tăng nhất, Tăng thập, Đại nhân duyên, Tăng Kỳ Đà, Sa môn quả, Phạm Động và những kinh Phật thuyết giảng cho Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, chư thiên và nhân loại. Những kinh dài kết tập thành một bộ gọi là Trường A Hàm. Những kinh trung bình kết tập thành một bộ gọi là Trung A Hàm. Những kinh nói cho nhiều đối tượng như Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di và chư Thiên kết tập thành một bộ gọi là Tạp A Hàm. Những kinh lần lượt nói từ một pháp tăng dần đến mười một pháp kết tập thành một bộ gọi là Tăng Nhất A Hàm. Ngoài ra, tập hợp các kinh nói bao quát nhiều vấn đề thành một bộ gọi là Tạp Tạng.

2) Thời kỳ kết tập thứ hai:

Khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, có nhóm tỳ kheo (phàm tăng) ỏ thành Vajji thường xuyên nhận cúng dường bằng vàng bạc, châu báu từ chư thiện nam tín nữ. Khi đó, có một vị Thánh Tăng tên là Yassa từ Kosambi đến đây chứng kiến được nên liền triệu tập một đại hội để khiển trách các Tỳ kheo đó. Họ tập họp 60 vị A la hán và suy tôn ngài Revata, một bậc thánh tứ quả làu thông Phật ngôn làm chủ tọa.

Nhóm Tỳ kheo ở thành Vesali không hành trì 10 điều học do Đức Phật ban hành cho nên các vị Thánh Tăng tuyệt đối cấm các vị Tỳ kheo đó không được hành động sai lầm nữa. Đó là không được giữ muối riêng, không được ăn trái giờ, không được ăn nhiều lần trong một ngày, không được uống rượu, không cất giữ vàng bạc cho cá nhân…

3) Thời kỳ kết tập thứ ba:

Xảy ra sau khi Đức Phật nhập Niết bàn 218 năm (325 năm trước Tây lịch), Hoàng Đế A Dục triệu tập hơn 1000 vị Đại trưởng lão tại thành Hoa Thị (Pataliputra) dưới quyền chủ tọa của ngài Mục Kiền Liên Tứ Đế Tu (Moggaputta Tissa). Lý do kết tập là vì các ngoại đạo trà trộn vào hàng ngũ Tăng đoàn làm cho Tăng chúng bất hòa và Phật pháp trở nên hổn loạn. Sau 9 tháng làm việc, hội nghị đã hoàn thành công tác kết tập kinh điển và còn chỉnh đốn Tăng giới, bài trừ những hàng Tu sĩ phạm trai, phá giới, vô kỷ luật.

4)Thời kỳ kết tập lần thứ tư:

Khoảng 400 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, vua Cà Ni Sắc Ca (Kaniska) đã triệu tập 500 vị Hiền Thánh Tăng (A la hán) họp tại thành Ca Thấp Di La để kết tập Kinh điển dưới quyền chủ tọa của hai ngài Hiếp Tôn Giả và Thế Hữu (Vasumitra). Vua Ca Nị Sắc Ca sai thợ đúc đồng đỏ thành lá mỏng để chép lại ba bộ luận:

1)Bộ luận “Ưu Ba Đề Xá” gồm 10 vạn bài tụng dùng để giải thích Kinh tạng.

2)Bộ luận “Tì Nại Da Tì Bà Sa” cũng gồm 10 vạn bài tụng, để giải thích Luật tạng.

3)Bộ luận “A Tì Đạt Ma Tì Bà Sa” cũng gồm 10 vạn bài tụng, để giải thích Luận tạng.

Như vậy ba bộ luận gồm 30 vạn bài tụng và có 9,600,000 lời giải thích đầy đủ ba tạng giáo điển. Sau khi hoàn tất, nhà vua sai đem cất vào trong hang đá, xây tháp lên trên để cúng dường, không cho ai mang ra khỏi lãnh thổ. Nếu ai muốn học tập nó thì phải đến đó mà đọc.

Tóm lại, ba kỳ kết tập đầu chưa cần đến sự biên chép, nghĩa là chỉ đọc tụng lại, xem lời lẽ nào là của Đức Phật đã nói ra, hay xét cho những ý nghĩa nào là đúng với chánh pháp. Cho đến kỳ kết tập thứ tư thì mới dùng đến văn tự để biên chép thành sách vở. Trong sự biên chép nầy, chư tăng chia làm hai phái: phái nam thì ghi bằng văn Pali, còn phái bắc thì chép lại bằng văn Phạn.

Ngoài bốn lần kết tập kinh điển ở trên của Phật giáo Nguyên thủy, dần theo thời gian cũng có thêm vài lần nữa tổ chức tại Miến Điện vào năm 1871 cho lần kết tập lần thứ 5 và năm 1954 cho lần kết tập lần thứ sáu.

Trong khi đó, Phật giáo Đại thừa chỉ có một lần kết tập kinh điển tại A Phú Hản vào khoảng 500 năm sau khi Phật nhập Niết bàn để kếp tập toàn vẹn lại bốn bộ A Hàm:

1)Trường A Hàm (Dirgha-Agama) (30 kinh) tương đương với Trường Bộ Kinh (Pali).

2)Trung A Hàm (Madhyamagama) gồm 222 kinh, tương đương với Trung Bộ Kinh.

3)Tạp A Hàm (Samyuktagama) gồm 1361 kinh, tương đương với Tương Ưng Bộ Kinh.

4)Tăng Nhất A Hàm (Ekottarragama) gồm 481 kinh tương đương với Tăng Chi Bộ Kinh.

Sau đó, tất cả các kinh điển khác như Kinh A Di Đà, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Địa Tạng…đều do chư Tổ viết về sau và không có một kỳ kết tập nào để duyệt qua hay chấp thuận, ngay cả không có một đại hội của chư Tăng nào để đồng thuận rằng tất cả những kinh điển đó là do những lời giảng của Đức Phật. Nhắc lại, mỗi lần kếp tập kinh điển thì trong đại hội phải có ít nhất từ 500 cho đến 1000 vị Thánh tăng hay trưởng lão để kiểm nhiệm từng câu, từng bài giảng và thời gian làm việc có thể kéo dài từ một năm cho đến vài năm mới hoàn tất.

Trích từ CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA – LIFE OF THE BUDDHA
LÊ SỸ MINH TÙNG

XEM NHIỀU

27/07/2024 16:13:35

Học nhận lỗi

Tôi nhớ rõ lời Đức Phật dạy: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả; là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được!” (PC.228 - Phẩm Kodhavaggo).
27/07/2024 15:52:39

Câu chuyện: Doanh Nhân và Phật Pháp

Một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng vì sự nhạy bén và quyết đoán trong công việc, một ngày nọ quyết định đến một ngôi chùa nổi tiếng để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn. Sau khi nghe danh tiếng của vị hòa thượng uyên bác, ông quyết định gặp...