Chủ nhật, 28/04/2024 23:19:04 (UTC+7) 96

Nhóm Sài Gòn Xanh hơn 1 năm làm sạch 150 kênh rạch

Dọn dẹp hơn 2.000 tấn rác, làm sạch hơn 150 kênh rạch tại TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… tạo ra một làn sóng hưởng ứng làm sạch môi trường – là những gì nhóm Sài Gòn Xanh làm được trong hơn 1 năm qua, để nỗ lực “thay áo” mới cho hàng trăm kênh rạch ô nhiễm.

Nhóm Sài Gòn Xanh hơn 1 năm làm sạch 150 kênh rạch

Những người trẻ làm chuyện “chẳng giống ai”

“Hơn 1 năm qua, từ 2 người là mình và anh Ngọc cho đến nay – khi có thêm tình nguyện viên muốn tham gia dọn rác lên tới con số hơn 1.000 người, mình cảm thấy hành trình này đúng đắn, có ý nghĩa khi lan tỏa được cảm hứng bảo vệ môi trường tới cho nhiều người trẻ”, Hồ Văn Vỹ (24 tuổi) hào hứng kể lại chặng đường hơn 1 năm cố gắng làm sạch hàng trăm kênh, rạch của TPHCM và các tỉnh lân cận.

Hồ Văn Vỹ (24 tuổi) đồng sáng lập nhóm Sài Gòn Xanh. Ảnh: NVCC

Hồ Văn Vỹ (24 tuổi) đồng sáng lập nhóm Sài Gòn Xanh. Ảnh: NVCC

Từ tinh thần yêu môi trường, sau khi để ý thấy các kênh rạch ở TPHCM có nhiều rác thải, Nguyễn Lương Ngọc (28 tuổi) và Hồ Văn Vỹ – đồng sáng lập nhóm Sài Gòn Xanh cùng nhau bắt tay vào việc dọn rác, làm sạch kênh rạch rồi cùng nhau ghi lại (quay video, chụp ảnh) chia sẻ lên mạng xã hội.

“Mặc dù trước đó đã chuẩn bị tinh thần nhưng khi xuống dưới dòng kênh để vớt rác thì thực sự kinh khủng, hơn gấp 10 lần những gì chúng mình tưởng tượng. Dưới đó có đủ tất cả các thể loại rác, từ rác thải sinh hoạt cho đến xác chết của động vật, rồi cả kim tiêm, mảnh sành, thậm chí còn có người vứt nguyên cái tủ lạnh xuống kênh”, Vỹ kể.

Dù vất vả, khó khăn, nhưng Vỹ và Ngọc có thời điểm dọn rác liên tục 5-6 ngày/tuần.

“Lúc đó công cụ dọn rác cũng rất thô sơ, chỉ có ủng đùi lội nước bảo hộ, bao tay rửa bát. Tuy nhiên, sau này khi số lượng thành viên và tình nguyện viên ngày một tăng, để đảm bảo sức khỏe cho các bạn, chúng mình nâng cấp đồ bảo hộ lên hạng tốt nhất: bộ đồ lội nước, găng tay y tế 3 lớp chống cắt, chống thấm,…

Ngoài ra, các thành viên cũng sẽ được tiêm vaccine ngừa uốn ván để phòng trường hợp gặp phải sự cố khi đang dọn rác trong môi trường vô cùng ô nhiễm, nhiều vi khuẩn”, Vỹ chia sẻ.

Từ 2 thành viên ban đầu, đến nay nhóm Sài Gòn Xanh đã có hơn 1.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia. Ảnh: NVCC

Từ 2 thành viên ban đầu, đến nay nhóm Sài Gòn Xanh đã có hơn 1.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia. Ảnh: NVCC

Không chỉ xanh môi trường mà còn “xanh ý thức”

Thành viên và cộng tác viên của nhóm đa phần đều là các bạn trẻ, sinh viên, người mới ra trường, làm đủ mọi nghề từ nhân viên văn phòng cho đến tài xế công nghệ, ai cũng một lòng muốn cải tạo dòng kênh, phủ xanh thành phố.

Hiện mỗi tuần, nhóm thực hiện 2 lần dọn dẹp rác vào thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần.

Kế hoạch dọn rác sẽ được nhóm lên lịch từ trước đó khoảng 1 – 2 tuần, trong đó chú trọng khâu khảo sát địa điểm để từ đó biết được cần phải bố trí bao nhiêu nhân lực, sau đó sẽ báo với địa phương cũng như các tình nguyện viên biết được địa điểm, thời gian dọn rác để mọi người sắp xếp công việc, tham gia.

Một tình nguyện viên người nước ngoài tham gia dọn rác cùng nhóm Sài Gòn Xanh tại quận Tân Phú (TPHCM). Ảnh: Chân Phúc

Một tình nguyện viên người nước ngoài tham gia dọn rác cùng nhóm Sài Gòn Xanh tại quận Tân Phú (TPHCM). Ảnh: Chân Phúc

Theo Vỹ, khó khăn lớn nhất đến giờ nhóm gặp phải là tình trạng tái ô nhiễm. Có khoảng 30% số kênh, rạch được dọn dẹp sau khoảng thời gian ngắn lại tái diễn tình trạng ngập rác.

“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái ngập rác sau khi được dọn sạch nhưng việc xả, vứt thẳng rác xuống kênh, rạch của người dân vẫn là nguyên nhân chính. Nhiều lúc bọn mình nghĩ, phải chăng việc làm của mình là dư thừa nhưng mọi người cứ động viên rồi tiếp tục công việc, hi vọng đến một lúc nào đó thói quen này của người dân sẽ được thay đổi”, Vỹ kỳ vọng.

Để thay đổi được thói quen vứt rác bừa bãi của người dân, thủ lĩnh nhóm Sài Gòn Xanh cho rằng không hề dễ dàng. Trong năm 2024 này, ngoài việc tập trung làm sạch thêm những con kênh, rạch bị ô nhiễm, nhóm sẽ hướng đến việc tuyên truyền nhiều hơn.

“Công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh hơn, vừa làm vừa nói, vừa làm vừa vận động, tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ từng dòng kênh, con rạch của thành phố. Có như vậy mới thấy được sự thay đổi, mới khiến công việc của chúng mình trở nên ý nghĩa hơn. Chúng mình gọi hành trình tiếp theo này là “Xanh ý thức”.

Ngoài ra, nhóm sẽ triển khai dự án “phao chắn rác”, nhằm ngăn chặn rác có thể đổ ra sông, ra biển”, Vỹ chia sẻ.

Nguồn: Báo người lao động

XEM NHIỀU