Thứ ba, 30/04/2024 05:00:51 (UTC+7) 35

Phước thiện

Trong vòng luân hồi sinh tử, tử sinh ai là người bạn thân nhất, tốt nhất đối với ta, người đó có phải là cha, mẹ, chồng, vợ, con cái hay những người thân nhất của mình?

Phước thiện

Tất cả đều chằng phải, mọi thứ rồi cũng sẽ bỏ ta ra đi. Phật dạy, trong vòng tử sinh bất tận người bạn thân nhất, tốt nhất luôn theo ta như bóng với hình đó chính là Phước Thiện mà mình đã tạo.

Con người nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung, thân tâm được an lạc đó là quả của phước thiện. Người có nhiều phước thiện cho quả, đời sống được nhiều an lạc, ít khổ cực. Người có ít phước thiện cho  quả, đời sống được ít an lạc, nhiều khổ cực.

Trong kinh Đức Phật thí dụ về phước bố thí như một căn nhà bị cháy, chủ nhân đem ra được khỏi nhà đồ vật nào, đồ vật ấy hữu dụng đối với chủ nhân; những đồ vật còn lại trong nhà bị thiêu hủy, chẳng ích lợi gì cho chủ nhân cả. Cũng như vậy, sắc thân này cũng ví như một căn nhà luôn luôn  bị thiêu hủy do bởi 11 thứ lửa không ngừng nghỉ, người có trí biết vậy, nên sử dụng của cải nào đem ra bố thí, của cải ấy là nhân tạo nên phước thiện, thuộc của riêng mình, hỗ trợ cho ta được sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Nếu phước thiện bố thí ấy trở thành pháp hạnh bố thí ba la mật, thì hỗ trợ cho các ba la mật khác được thành tựu, để  dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ  thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo  –  Thánh Quả và cuối cùng đạt đến cứu cánh Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, nhờ pháp hạnh bố thí ba-la-mật làm nền tảng.

Như vậy, phước thiện là gì?

Theo Phật giáo danh từ Phước dịch ra từ Pāḷi là Puñña. Danh từ Thiện dịch ra từ Pāḷi là Kusala. Puñña (Phước): có nghĩa là trạng thái làm cho tâm của mình được trong sạch khỏi phiền não. Ngược với phước là tội (pāpa) là trạng thái làm cho tâm bị ô nhiễm bởi phiền não. Quả báu của phước là sự an lạc thân – tâm.

Kusala (Thiện): có nghĩa là trạng thái tiêu diệt ác pháp. Ngược với thiện là bất thiện (akusala) chính là ác pháp. Quả báu của thiện là sự an lạc thân – tâm. Cho nên, Phước và Thiện đồng nghĩa với nhau.

Trong đời sống có số người được giàu sang phú quý, có chức cao quyền lớn…, người ta thường gọi: “người ấy có phước lớn”. Nên hiểu rằng đó là cách gọi theo quả phước thiện, không phải gọi theo nhân phước thiện. Nếu muốn gọi cho đúng và chính xác thì nên gọi: “người ấy hưởng quả phước lớn”. Cho nên, kiếp hiện tại, người nào được giàu sang phú quý,… kiếp vị lai người ấy không chắc được giàu sang phú quý… như vậy. Bởi vì, sự giàu sang phú quý…  là quả của phước thiện bố thí; khi hưởng  quả giàu có, mà không tạo thêm nhân phước thiện bố thí,có tâm keo kiệt bỏn xẻn của cải, sau khi chết do năng lực ác nghiệp cho quả tái sanh vào cảnh xấu, chịu cảnh đói khát, khổ cực; dầu do thiện nghiệp nào đó cho quả được tái sanh làm người, thì cũng là người  nghèo đói, thiếu thốn khổ cực. Vậy, chỉ có phước thiện cho quả mới hỗ trợ cho chúng sinh được an lạc.

Bố thí để tạo phước thiện là ta sử dụng của cải tiền bạc… và cả sự hiểu biết của mình đem ban bố cho người khác với thiện tâm tế độ, mong mỏi sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc đến cho người khác, chúng sinh khác. Sự bố thí như vậy gọi là phước thiện bố thí.

Sự bố thí để trở thành dục giới thiện nghiệp, ta cần phải có tác ý thiện tâm  trong sạch, không bị tham, sân, si… làm ô nhiễm. Nếu sự bố thí này thuộc về dục giới thiện nghiệp, thì cho quả báu trong cõi dục giới như giàu sang, phú quý, có nhiều của cải, tiền bạc, có quyền cao chức trọng… đời sống sung túc, được an lạc, song vẫn còn quanh quẩn trong cảnh khổ tử sanh luân hồi. Nếu sự bố thí này trở thành bố thí ba-la-mật, bố thí với thiện tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi tà kiến, tham ái, ngã mạn và hợp với  tâm bi, đức tin, trí tuệ phát nguyện chỉ mong chứng ngộ Niết Bàn, mong trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác, hỗ trợ cho các ba-la-mật khác, thì dẫn đến sự thành tựu siêu tam giới, chứng đắc 4 Thánh Ðạo liền cho quả là 4 Thánh Quả trở thành bậc Thánh cao thượng.

Trong tiền kiếp khi còn hành đạo Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca đã tạo nhiều phước thiện bố thí, do thiện nghiệp ấy cho quả thường tái sanh trong dòng vua chúa, hoặc gia đình phú hộ có nhiều của cải. Khi cha mẹ qua đời, Ðức Bồ Tát được thừa hưởng toàn bộ gia tài của cha mẹ để lại. Ngài xuy xét rằng: “Toàn bộ của cải này, ông bà cha mẹ để lại, không có một ai mang theo được một thứ nào cả, đến phiên ta, chắc chắn ta cũng chẳng mang theo được. Ðiều tốt hơn hết, ta nên sử dụng của cải này đem làm phước bố thí, như vậy, không những về phần ta có được phước thiện, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc ở kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai lâu dài, mà ta còn có thể hồi hướng phước thiện ấy đến cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ta nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung. Nếu họ hay biết hoan hỉ phần phước bố thí thanh cao này, chắc chắn họ sẽ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cảnh thiện giới, hưởng được sự an lạc lâu dài; nếu họ đang hưởng an lạc ở cảnh thiện giới nào rồi, họ hoan hỉ phần phước thiện này, thì sự an lạc càng thêm tăng trưởng đối với họ”.

Và ngày cũng suy xét rằng: “ Mọi thứ của cải này liên quan đến 5 tai nạn:

– Tai nạn do lửa cháy thiêu hủy.

– Tai nạn do nước ngập lụt cuốn trôi.

– Tai nạn do trộm cướp chiếm đoạt, sát hại chủ nhân.

– Tai nạn do Ðức vua tịch thu.

–  Tai nạn do người không ưa thích chiếm đoạt….

Và tất cả mọi thứ của cải này, không có tính chất bền vững lâu dài, cuối cùng chắc chắn phải bị hư hoại, tan nát không còn nữa. Nhưng nếu ta sử dụng của cải này đem làm phước bố thí, thì sẽ trở thành thiện nghiệp của riêng ta, có tính chất bền vững lâu dài, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai. Nếu được làm phước bố thí đến những bậc có giới đức trong sạch, sẽ cho quả báu vô lượng kiếp, lại còn tạo duyên lành trên con đường giải thoát khỏi tử sanh luân hồi, trong ba giới bốn loài nữa”.

Dầu tái sanh trong gia đình nghèo khổ, thiếu thốn, chịu cảnh đói khổ, Ngài cũng suy xét rằng: “Sở dĩ ta sống trong cảnh nghèo khổ, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, chịu cảnh thiếu thốn kiếp hiện tại này, là vì kiếp trước ta ít tạo phước bố thí. Trong kiếp hiện tại này, nếu ta không hoan hỉ tạo phước bố thí, thì kiếp sau ắt phải chịu khổ hơn kiếp này nữa”.

Do đó, chúng ta chớ nên bỏ lỡ cơ hội làm phước bố thí, bởi vì phước bố thí mà ta đã tạo sẽ cho quả an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai, dầu tái sanh kiếp nào, là người hoặc chư thiên cũng hưởng được quả báu của phước bố thí ấy, được an lạc lâu dài. Người có trí cần hoan hỉ làm phước bố thí đến những bậc có giới đức đáng kính. Chúng ta có ít của cải thì làm phước bố thí ít, tùy theo khả năng của mình. Và phước thiện bố thí được nhiều hay ít không tùy thuộc vào vật thí, mà tùy thuộc vào tác ý thiện tâm trước khi bố thí, đang khi bố thí và sau khi đã bố thí xong. Nếu cả ba thời tác ý thiện tâm trong sạch, hoan hỉ trong việc bố thí, thì chắc chắn phước thiện bố thí được nhiều vô lượng.

Trong vòng tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, mỗi chúng sinh chỉ là một người khách lữ hành tạm trú nơi này, cõi khác trong một thời gian ngắn hay dài. Tuỳ theo tuổi thọ của mỗi chúng sinh, không có một ai có quyền thường trú lâu dài theo ý của mình, dù phạm thiên ở cõi trời vô sắc giới phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sở dĩ con người được gọi là cao thượng do nhờ thiện pháp. Ngay trong kiếp này, chúng ta có diễm phúc được tái sanh làm người, chúng ta nên cố gắng tạo mọi thiện pháp, để nâng đỡ mình trở nên cao thượng. Trong mọi thiện pháp, phước thiện bố thí là thiện pháp làm nền tảng cho tất cả mọi thiện pháp, phước thiện bố thí có thể hỗ trợ cho sự thành tựu tất cả mọi thiện pháp khác, từ tam giới thiện pháp cho đến siêu tam giới thiện pháp, đạt đến cứu cánh Niết Bàn.

XEM NHIỀU

27/07/2024 16:13:35

Học nhận lỗi

Tôi nhớ rõ lời Đức Phật dạy: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả; là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được!” (PC.228 - Phẩm Kodhavaggo).
27/07/2024 15:52:39

Câu chuyện: Doanh Nhân và Phật Pháp

Một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng vì sự nhạy bén và quyết đoán trong công việc, một ngày nọ quyết định đến một ngôi chùa nổi tiếng để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn. Sau khi nghe danh tiếng của vị hòa thượng uyên bác, ông quyết định gặp...