Thứ hai, 22/04/2024 17:47:36 (UTC+7) 150

Sống là phải biết ơn và báo ơn

Hơn ai hết, đạo Phật với tinh thần từ bi vô ngã tôn trọng sự sống, sự tồn tại không những đối với con người mà còn đối với các loài động vật, thực vật và môi trường sống. Khác với sự chết chóc, hủy diệt – điều mà nhân loại văn minh ai cũng

Hơn ai hết, đạo Phật với tinh thần từ bi vô ngã tôn trọng sự sống, sự tồn tại không những đối với con người mà còn đối với các loài động vật, thực vật và môi trường sống.

Khác với sự chết chóc, hủy diệt – điều mà nhân loại văn minh ai cũng lên án – sự sống và nhất là sống tích cực có ý nghĩa đều được mọi người tôn qúy. Con người, chủ thể của nhận thức, có một vị trí đặc biệt trong vũ trụ bao la vô tận này. Nhờ có con người mà thế giới được thay hình đổi dạng, được cảm nhận và được ứng dụng ngày càng sâu sắc hơn không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng, giúp phục vụ cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng được sinh ra làm người thì khó, rất khó! Chính đức Phật đã ví như có một con rùa mù cứ năm trăm năm mới trồi đầu lên mặt biển một lần. Nhưng mặt biển lại đang ầm ì với những cơn sóng dữ đang hất tung một khúc gỗ và khúc gỗ này có một lỗ hổng vừa cổ con rùa. Ngài nói, cơ hội được sinh ra làm người khó như con rùa này trồi đầu lên biển và chui lọt cổ vào bọng cây này!Khi ngài nói con người được sinh ra khó như vậy cũng hàm ý rằng sự sống con người thật là quý, thật là may mắn và chúng sinh cần phải trân trọng mạng sống của mình. Trên hành tinh này chưa có một loài vật nào thông minh như loài người có khả năng chinh phục thiên nhiên và hoàn cảnh để tạo ngày càng đầy đủ tiện nghi phục vụ cho cuộc sống của mình. Nhưng cũng chính sự thông minh của con người lại có tác dụng hai mặt – xây và phá; hòa bình và chiến tranh; thương yêu và thù hận; hay nói nôm na là thiện và ác. Lịch sử cho thấy cuộc chiến đấu giữa hai mặt thiện và ác này vẫn còn đang tiếp diễn nếu không nói là ngày càng khốc liệt và việc đưa đến sự hủy diệt của hành tinh xanh này không phải là điều không tưởng. Nhưng trong cái nguy cơ, trong cái đường hầm tăm tối ấy vẫn còn có tia sáng hy vọng. Tia sáng cứu nguy ấy không ai khác ngòai đức Phật, người tiêu biểu cho cái thiện. Và ngài là con người đầu tiên đã khám phá ra cái hạnh phúc chân thật, cái chân-thiện-mỹ, cái bí mật sâu kín nằm đằng sau áng mây mờ của vô minh tăm tối. Nhờ cái biết này – ánh sáng giác ngộ – mà văn minh của nhân loại đã thật sự mở ra một chương mới và ngày càng được nhiều người – Đông phương cũng như Tây phương, đạo Phật hay không phải đạo Phật – trên hành tinh này đã và đang nghiên cứu tu học.

Ngay trước khi chứng ngộ đức Phật đã khám phá ra thập nhị nhân duyên hay định lý duyên khởi, theo đó, do vô minh mà có khổ đau sinh tử nhưng khi vô minh diệt thì khổ đau sinh tử cũng theo đó mà diệt và ngài đúc kết như sau: Do cái này có mà cái kia có, cái này sinh mà cái kia sinh; do cái này không có mà cái kia không có, do cái này diệt mà cái kia diệt. Hay nói một cách khác, mọi sự vật đều có tương quan mật thiết với nhau; không có sự vật nào có thể tồn tại độc lập. Chính lý duyên khởi này là chìa khoá cho mọi vấn đề của con người và vũ trụ.

Sự sống hay vận hành của con người và vũ trụ mang tính duyên khởi như một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ mà trong ấy sự kế thừa như là một điều tất yếu không thể thiếu. Đức Phật là một con người nhưng là một con người giác ngộ. Ngài xuất gia tìm đạo để giải quyết khổ đau của con người. Và con người hay chúng sinh phải là người kế thừa sự nghiệp giác ngộ của ngài.

Như đã được đề cập, con người có một gía trị đặc biệt, có khả năng diệt khổ để thể nhập chân hạnh phúc mà đức Phật là người mở đường. Ngài tin tưởng vào khả năng ấy của chúng sinh. Chính ngài đã xác nhận trong kinh Pháp Hoa, Ta là Phật đã thành và chúng sinh là Phật sẽ thành.

Cũng chính trong kinh này đã đề cập đến Thọ ký – một sự ấn chứng không phải một vài mà nhiều nhiều đến hàng nghìn người sẽ thành Phật. Chúng sinh đang đau khổ, đang đi vào những con đường lầm lạc là vì họ chưa được may mắn gặp và hiểu lời Phật dạy và do vậy mà chưa thấy được giá trị đích thực của mình. Kinh Pháp Hoa nói chúng sinh đang cất giữ viên hạt châu trong người nhưng không biết nên cứ sống cuộc đời nghèo khổ. Đó là lý do tại sao ngài nói, sinh ra làm người là khó nhưng gặp, hiểu và thành tựu Phật pháp càng khó hơn. Nói là khó nhưng không phải là không đạt được những điều ấy. Vì chúng sinh không có khả năng đạt được thì Phật đã không chỉ dạy, đã không có kinh điển cho đến ngày hôm nay. Căn cơ chúng sinh được ví như hoa sen trong hồ; có hoa trong bùn, có hoa đang trong nước nhưng cũng có hoa ngoi lên khỏi mặt nước và đang toả ngát hương thơm. Thực tế cho thấy trong thời gian Phật tại thế cũng như sau khi ngài nhập diệt và ngay cả hiện tại đã xuất hiện nhiều danh tăng lỗi lạc ở khắp mọi nơi bất kể màu da, sắc tộc.

Tồn tại của con người là tồn tại với hay quan hệ với. Đạo Phật đã phân biệt bốn loại quan hệ mật thiết trong xã hội theo tuần tự sau: cha mẹ, thầy tổ, nhà nước và đồng bào. Và cũng chính trong những mối quan hệ này mà đạo Phật đã đặt nặng vai trò biết ơn và báo ơn.

Không phải không có lý do khi mối quan hệ cha mẹ được đặt lên hàng đầu. Vì để thấy chân giá trị của mình ngang qua hiểu và thực hành lời dạy của đức Phật thì việc trước tiên mình phải là một con người đã. Và sự có mặt của mỗi con người trên hành tinh này không phải tự nhiên mà do nhân duyên, do cha mẹ kết hợp và tạo nên. Công lao của cha mẹ thì thật vô cùng, khó báo đáp hết. Đức Phật ví như có một người con một vai cõng cha vai kia cõng mẹ và đi hết cuộc đời và cho dù họ có tiểu tiện, đại tiện thì người con ấy cũng khó lòng báo đáp công ơn hết được. Tuy nhiên, ngài nói thêm rằng, nhưng có một điều có thể báo đáp được công ơn trời biển của mẹ cha là người con phải tạo điều kiện thuận lợi cho mẹ cha tu tập. Và đây là điều quan trọng. Vì chính ngang qua tu tập mà mẹ cha cảm nhận được chân hạnh phúc khác với hạnh phúc thế gian thuộc về tiền bạc, sắc đẹp, địa vị, ăn uống, tiện nghi. Chân hạnh phúc theo quan niệm của đức Phật thuộc về tinh thần hay trí tuệ.

Một hôm đức Phật hỏi ngoại đạo rằng, giữa ta và nhà vua Bimbisara ai sống hạnh phúc hơn ai? Ngoại đạo trả lời, Sa môn Gotama sống hạnh phúc hơn nhà vua. Vì sao? Đức Phật hỏi lại. Câu đáp lại là, vì Sa môn Gotama biết an trú trong thiền định trong khi vua Bimbisara không biết. Đức Phật nói: Đúng vậy. Và chân hạnh phúc này không chỉ dừng ở kiếp này mà còn nhiều kiếp tiếp theo tùy theo nghiệp thiện nhiều hay ít. Trong khi vật chất dù có cung cấp đầy đủ cho mẹ cha thì cũng chỉ được một đời, chưa nói nếu không khéo thì còn làm cho cha mẹ tăng thêm ác nghiệp của tham sân si thì càng khổ đời này và đời sau nữa. Và đức Phật cũng nói thêm, để cha mẹ yên tâm tu tập thì chính bản thân người con cũng cần phải tu tập.

Nếu cha mẹ có công giới thiệu và nuôi dưỡng thì thầy tổ có công giúp lớn khôn về mặt tri thức hay trí tuệ. Nhờ tri thức khoa học kỹ thuật mà cuộc sống con người ngày càng được tiện nghi hơn. Nhưng cũng phải cẩn thận với tri thức thế gian vì nó có thể xây mà cũng có thể phá, nó có thể làm ra thuốc men cứu mạng sống con người nhưng nó cũng có thể chế tạo đạn bom để hủy diệt con người . Duy có trí tuệ nhà Phật với tinh thần vô ngã vị tha thì chỉ có xây mà không có phá, chỉ có đem lại hạnh phúc an vui cho con người – Như lai xuất hiện ở đời chỉ vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người. Tri thức thế gian cần phải bổ sung trí tuệ hay tri kiến Phật mới được toàn diện vì vậy mà nhà bác học thiên tài người Đức Einstein đã tìm đến đạo Phật.

Sự tu tập được thuận lợi hơn khi có một môi trường xã hội – chính trị ổn định và nhất là một nhà nước có chủ trương tự do tôn giáo hay thậm chí có “tình cảm” với đạo Phật thì lại càng thuận lợi. Một nhà nước như vậy thì quả thật góp phần công đức không nhỏ cho tất cả chúng sinh hướng thiện, nhất là trong một môi trường mà kinh tế tăng trưởng ngược chiều với đạo đức. Ngược lại, nhà nước càng “khoẻ” khi ngày càng có nhiều người dân lương thiện.

Nếu ba mối quan hệ trên có tính đặc thù thì mối quan hệ thứ tư có tính phổ biến hay xã hội, theo đó tất cả mọi người đều có mối quan hệ với nhau. Mỗi người chúng ta đang mặc cái áo cái quần hay đang đi xe gắn máy, đang ăn uống, đang hít thở không khí… Tất cả những sản phẩm ấy là công lao động của biết bao con người hay của trời đất, môi trường.

Quả thật, để được sống và tồn tại như hiện nay, mỗi người chúng ta phải cần đến biết bao “công đức” của người khác và của thiên nhiên. Do vậy, một trong những định nghĩa về A la hán được ghi nhận trong kinh tạng Pali như sau: A la hán là biết ơn và báo ơn. Cũng nhắm đến công ơn trời biển của bốn mối quan hệ trên, kinh Pháp Hoa có lưu truyền thông điệp sau: Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật.

Chúng ta, những người Việt Nam, một lần nữa thấy được sự may mắn làm người của mình để cùng nhau ôn lại lời Phật dạy và sống đúng với tinh thần: Sống là phải biết ơn và báo ơn. Nam mô Công đức lâm bồ tát ma ha tát.

XEM NHIỀU