Thứ tư, 05/06/2024 04:53:24 (UTC+7) 3,645,889

SUỐI NGUỒN HẠNH PHÚC 

Thích Hoằng Ngộ

Từ xưa cho đến nay, dù ở bất cứ thời đại nào thì sự mong cầu hạnh phúc luôn là tâm lý muôn thuở của con người. Mặc dù quan niệm và nhận thức về hạnh phúc của mỗi người khác nhau nhưng nhìn chung đều hướng tới mục đích có cuộc sống bình yên.

           Trong kinh Tăng Chi Bộ có nói, Như Lai ra đời vì hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích cho chư Thiên và loài người. Ngài xuất hiện ở đời khiến cho số đông xa lìa phi pháp, an trú diệu pháp.

SUỐI NGUỒN HẠNH PHÚC 

Mặt khác, chúng ta luôn biết rằng đạo Phật đề cao luật nhân quả. Quan niệm về sự tiếp diễn ở tương lai, tốt hay xấu hoàn toàn do lối sống thiện hay bất thiện của chúng sinh ở hiện tại quyết định. Do đó, mọi giải pháp được đề xuất bởi đạo Phật đều đặt trên nền tảng đạo đức hướng thượng nhắm đến mục tiêu giác ngộ, xem đó là hướng đi lợi lạc lâu dài cho con người. Đức Phật khuyên con người nỗ lực tầm cầu tài sản đúng pháp, không dùng sự gian dối phi pháp vì lợi ích cá nhân. Khi tầm cầu tài sản đúng pháp, vị ấy tự mình an lạc, hân hoan chia sẻ, làm các công đức, hưởng thọ các tài sản ấy với tâm không tham đắm, không mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ.

Chính vì vậy, bậc Giác ngộ đã dạy cho chúng ta thực hành tám thiện pháp hay tám đức tính để xây dựng hạnh phúc vững bền, nghĩa là bảo đảm một đời sống thoải mái về vật chất và an lạc về tinh thần cả đời này và đời sau. Tám thiện pháp đó là:

  1. Đầy đủ tháo vát, nghĩa là thiện xảo trong công việc làm ăn, siêng năng cần mẫn, khéo tìm ra giải pháp tối ưu để tự mình giải quyết công việc có hiệu quả và vận dụng nguồn lực lao động để đạt kết quả tốt.
  2. Đầy đủ phòng hộ, tức là biết cách gìn giữ và bảo vệ hợp pháp các tài sản chính đáng của mình, không để cho các thế lực dòm ngó, không để cho kẻ trộm đục khoét, không để cho thiên tai hỏa hoạn thiêu hủy, không để cho con cái hư hỏng phá tán.
  3. Làm bạn với thiện, nghĩa là có sự thân cận và giao thiệp thường xuyên với những người hiền đức để học hỏi và phát huy các phẩm chất đạo đức giác ngộ như tín tâm, giới đức, bố thí, trí tuệ.
  4. Sống thăng bằng điều hòa, nghĩa là biết sử dụng hợp lý các tài sản hay lợi nhuận làm ra đúng pháp để sống một đời sống thích đáng, không phung phí cũng không bỏn sẻn. Nói cách khác, người gia chủ cần phải biết cân đối trong thu chi để sinh sống thoải mái hữu ích và để bảo đảm công việc làm ăn được phát triển vững bền.
  5. Đầy đủ lòng tin, nghĩa là có lòng tin tưởng tôn kính đối với Tam Bảo: Phật-Pháp-Tăng.
  6. Đầy đủ giới đức, tức là sống nếp sống đạo đức trong sáng của người tại gia cư sĩ, như không sát hại chúng sinh, không gian tham trộm cắp, không tà tư tà hạnh, không nói dối, không rượu chè nghiện ngập.
  7. Đầy đủ bố thí, tức là mở tâm bố thí, cúng dường, làm các việc thiện hay việc công ích nhằm chia sẻ nỗi khó khăn vất vả của người khác, góp phần bảo vệ môi trường sống và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng.
  8. Đầy đủ trí tuệ, nghĩa là nuôi dưỡng, phát huy và thể hiện sự hiểu biết sáng suốt về lẽ thiện ác, về luật nhân quả, về cách thức hướng dẫn đời sống an lạc hay về phương pháp loại trừ phiền não khổ đau cho tự thân và cho người khác.

Qua đó, chúng ta thấy Đức Phật từ xưa đã có góc nhìn về đời sống hạnh phúc của con người. Ngài đề xuất việc thực hành tám thiện pháp, nhấn mạnh hai yếu tố căn bản và thiết thực. Tức là yếu tố kinh tế vật chất (đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa) cần phải được nỗ lực tạo dựng và duy trì ổn định, song song với yếu tố đạo đức tâm linh (đầy đủ tín tâm, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ) cần phải được chú tâm nuôi dưỡng và phát huy. Chính hai yếu tố này đặt nền móng cho một đời sống phát triển ổn định hài hòa, tạo điều kiện cho cá nhân phát huy các tiềm năng sáng suốt và phẩm chất đạo đức hướng thượng, cho phép chúng ta xây dựng và tận hưởng đời sống hạnh phúc an lạc lâu dài.

Khi chúng ta khéo thiết lập cuộc sống của mình theo lời Phật dạy thì chắc chắn sẽ đạt được tiến trình tuần tự đi đến giác ngộ.

Điều đáng lưu ý là tám thiện pháp trên luôn luôn có sự trợ duyên cho nhau, tạo nên một hệ thống phát triển ổn định và hài hòa về các mặt của cuộc sống. Chúng có khả năng giúp ta tạo lập một cuộc sống hạnh phúc vững bền, đạt được sự thoải mái ổn định về điều kiện kinh tế và phát triển sâu về tinh thần. Đây là hướng đi của hạnh phúc an lạc mang tính ổn định lâu dài mà thuật ngữ đạo Phật gọi là “pháp hành đưa đến chiến thắng hai đời”, tức là hạnh phúc đời này và an lạc đời sau.

Như vậy, bậc Giác ngộ quan niệm hạnh phúc thế gian là tương đối. Nó là phương tiện để cho con người tiếp tục nỗ lực tu tập nhằm đạt đến hạnh phúc Niết-bàn. Ngài dạy người gia chủ nỗ lực làm ăn sinh sống đúng pháp, khéo bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn lợi tức để bảo đảm đời sống hạnh phúc gia đình; đồng thời, nỗ lực thực thi nếp sống có tín tâm, có giới đức, có bố thí, có trí tuệ để thiết lập và quyết chắc mục tiêu giác ngộ giải thoát.

XEM NHIỀU

27/07/2024 16:13:35

Học nhận lỗi

Tôi nhớ rõ lời Đức Phật dạy: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả; là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được!” (PC.228 - Phẩm Kodhavaggo).
27/07/2024 15:52:39

Câu chuyện: Doanh Nhân và Phật Pháp

Một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng vì sự nhạy bén và quyết đoán trong công việc, một ngày nọ quyết định đến một ngôi chùa nổi tiếng để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn. Sau khi nghe danh tiếng của vị hòa thượng uyên bác, ông quyết định gặp...