Thứ bảy, 01/06/2024 04:27:11 (UTC+7) 78,842,527

“THỢ TU” SAO “SÂN SI” VẬY?

Nguyên Quang

(Kèm dẫn chứng hiện tại không phải thời Mạt pháp. Ai có nhã hứng xin thiểu gia thính sát. Nội dung rất dài với hơn 4100 chữ, dùng hành văn phản biện, luận điểm được viện dẫn Thánh điển để đối chiếu. Chi tiết cụ thể ở phần bình luận của chính chủ. Trân trọng!)

“THỢ TU” SAO “SÂN SI” VẬY?

Ai đã từng học qua môn vật lý đều biết rõ định luật III Newton: Khi một vật tác dụng lực lên vật thể thứ hai, vật thứ hai sẽ tác dụng một lực cùng độ lớn và ngược chiều về phía vật thứ nhất. Nếu áp dụng định luật vật lý trong xã hội học, đây được xem như một định đề mang tính nhân quả với câu thành ngữ “Nhân nào Quả nấy”. Tuy nhiên, điều này không được áp dụng một cách công bằng cho hàng Tăng sĩ hiện nay, khi mà bỗng dưng họ bị chụp mũ cho một danh xưng đầy ác ý là “Thợ tu”, đồng thời lại chẳng được bôi nó đi hay lên tiếng cải chính cho đoàn thể Chúng trung tôn do bởi một cục gạch nhưng đầy gai góc mang cái tên trên nền tảng phiến diện phi hiện thực và thiếu nhận thức là “Sân si” đến từ một số phần tử “phang” thẳng vào mặt. Tuy vậy, nhưng không hề có một viên sỏi nhỏ, hòn đá cuội nào được ném lại về phía các phần tử ấy từ hàng Tăng bảo giống như định luật vật lý hay tính nhân quả nêu trên phát biểu, do đó, mình nói là “không công bằng”. Có điều, bạn thử nghĩ mà xem, đau chứ? Không đau, nhưng xót lắm vậy!

Đầu tiên, mình muốn trình bày một số vấn đề như sự thật về trách nhiệm của hàng Tăng sĩ đối với Tam Bảo và Phật pháp. Đó là, im lặng là “vàng” nhưng lên tiếng bảo hộ cái đúng với Chánh pháp mới là “kim cương”. Tất nhiên, những tiêu cực “thật sự” mà gần đây quý vị đã thấy từ Phật giáo, những điều đó có phần sự thật và mặc sức quý vị chỉ trích, lên án, kính tàm quý! Tuy nhiên, nếu một người chỉ đi Thái Lan nửa ngày nhưng tuyên bố đất Thái chẳng có gì ngoài chua với cay, hay đến Hàn Quốc một buổi lại dám chắc chốn Hàn chỉ mỗi kim chi cùng ớt bột, thì đó là điều … Quý vị tự đánh giá nhé!
– Trích Kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ:
“Khi có người hủy báng ta (Phật), hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ông phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: ‘Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi’”.
Nếu im lặng, điều đó không đúng lời Phật dạy, do đó, xin một số quý “nghịch hạnh” Bồ tát từ bi, điều cần làm, Tăng sĩ phải làm, nếu quý vị phản bác cho rằng điều đó không đúng, là “sân si” thì mong quý vị hãy xem lại nội dung “kinh do Phật thuyết” bên trên, do bởi quý vị chưa đủ tư cách để cải biên lời Phật.
– Trích Kinh Bát Đại Nhân Giác:
“Ngu si nên bị, Trôi lăn sinh tử, Bồ tát thường nhớ, Học rộng nghe nhiều, Tăng thêm trí tuệ, Thành tựu biện tài, […]”.
Biện tài ở đây, chính là khả năng hùng biện, biện luận cho điều đúng, điều chân chánh và với mục đích giúp người chưa thấy được thấy, chưa hiểu được hiểu. Nhưng thật đáng buồn, đáng tiếc, thưa các vị Bồ tát “chống đối”! Liệu quý vị có dùng tâm nhẫn nại để học tập rộng rãi kinh pháp Phật, dùng tâm bình đẳng và khách quan để lắng nghe, để hiểu và để thương hay chăng?
– Trích Kinh Kalama thuộc Tăng Chi Bộ, đức Phật dạy rằng:
“Chớ vội tin một điều chỉ vì điều đó được số đông quần chúng đi theo, […]”.
Do đó, xin thưa quý vị, một câu nói rất nổi tiếng (mà mình được nghe từ nhà giáo Giản Tư Trung): “Chân lý không thuộc về số đông”, nên thông qua biện tài cùng chuyên môn là Phật học, Tăng sĩ mới cho những người “cần thấy” và “muốn biết” có được cái nhìn với chất liệu “hàng real” đến từ Phật pháp. Do đó, nếu đem cái “số đông” nhưng mang đầy thiên kiến, thiếu căn cứ, thiếu tư duy, thiếu tính khách quan, thiếu sự chí công vô tư, chỉ biết hùa theo dòng chảy của xã hội kia đến để công kích và bắt Tăng sĩ phải “ngậm miệng, cúi đầu” thì xin thưa, nếu Tăng sĩ làm vậy đó là “hành vi của kẻ thiếu trí và thấp hèn”, không đáng mặt đệ tử và nhận lãnh lời Phật dạy.
– “Nếu bạn đem một món quà cho người khác, nhưng họ không nhận thì nó lại thuộc về ai? Lời mắng nhiếc cũng vậy”. (Joanthan Landaw, Thích Ca Phật lược truyện)
Quý vị nghĩ đây là câu nói của ai? Của đức Phật đấy. Thoạt đầu nghe như lời “shock óc” người khác vậy, nhưng nếu đức Phật cùng Tăng đoàn của ngài vì sợ hai chữ “Sân si” hư huyễn kia thì Giáo pháp sao được hình thành. “Rất tốt! Ta sẽ chỉ dạy cho bất cứ ai ‘thật sự’ muốn nghe”, đây là câu chốt của đức Phật trong phần truyện trên. Chúng tôi hiện nay cũng sẽ như vậy, không vì hai chữ “Sân si” giả tướng mà nhún nhường cho đám mây đen che mờ vầng minh nguyệt, cũng như chỉ nói cho ai “thật sự” muốn nghe và dùng tâm tĩnh lặng, trong vắt như mặt hồ để thính văn, cảm thọ.
– Một người có học Phật khá, ắt sẽ không lạ lẫm với nội dung của những tựa đề sau: Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Kinh Mi Tiên Vấn Đáp, Kinh Tệ Túc, Kinh Phạm Võng, Kinh Sa Môn Quả, Đại Kinh Sư Tử Hống, Kinh Hiền Nhân, v.v., và mình dám khẳng định, bấy nhiêu chỉ là 0,1% trong King tạng mà thôi, cái sở học nhỏ nhoi, hạn hẹp của mình chỉ biết được nhiêu đó về những kinh có nội dung “hùng biện” được thực hiện bởi đức Phật và các Thánh đệ tử của ngài đối với hàng vương giả, đại trí thức cùng ngoại đạo, trong đó có những người đã rất giỏi Phật học, có những người chưa biết nhưng muốn biết Phật pháp và có cả những kẻ thiếu trí muốn công kích, phá hoại Tam Bảo. Phật cùng các bậc Thánh đã từng dùng biện tài để truyền bá và bảo vệ Chánh pháp như vậy, chúng tôi, hàng con cháu của đấng Trời trong các trời, chúa trong loài sư tử thì chẳng lý do gì mang lông đội sừng như một con lừa, con trâu để bị xỏ mũi dắt đi cả.
– Một điều không thể chối cãi, một trong ba Tạng thánh điển chính là Luận tạng. Nếu Phật giáo đem “cái miệng” của tự thân “ngậm chặt” lại, thì Luận tạng từ đâu hình thành? Xin hỏi rằng, những Đại luận sư Bồ tát như Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Thánh Thiên, Đề Bà, Trần Na, Pháp Xứng, v.v. (những Bồ tát này, người thiếu vốn Phật học sẽ chẳng biết họ là ai) được sinh ra để thực hành hạnh “không sân si” và “tịnh khẩu” cả đời hay sao? Nếu hành động hùng biện đối đáp thẳng thắn bị xem là “sân si”, đáng khiển trách thì tại sao câu nói “Bệ hạ vô công, vô đức!” mà từng khiến Lương Võ Đế tức giận bỏ đi đến từ Tổ sư Đạt Ma lại được xem như một giai thoại nức tiếng? Một phần là vì sau đó, Lương Võ Đế, với trí tuệ của một quân vương và tâm chí thành với Phật pháp đã khiến ngài hiểu ra điều đó, nhưng với một số phần tử, hai tố chất trên của đức vua không thể có mặt nơi họ.
– Thật ra đức Phật không chỉ có mỗi mười đại đệ tử, ngài có rất nhiều với đặc điểm mỗi vị là đệ nhất trong một lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, mười vị được xem là ưu tú nhất, hay mười lĩnh vực ưu tú nhất, trong đó vẫn có một địa vị là “Luận nghị đệ nhất” thuộc tôn giả Đại Ca Chiên Diên. Vậy đệ nhất nghị luận chính là “im lặng” ư?
Ôi thôi! Cũng chẳng cần phải dẫn chứng nhiều, vì với người học Phật, ấy chẳng lạ lẫm gì. Chỉ là, điều làm mình đau lòng và thắc mắc mãi đó là vì sao chỉ có một ruột nồi cơm cùng tấm vải nhiều màu lại khiến cho nhiều phần tử kích động đến mức bỏ quên hay thậm chí cố tình phớt lờ cả lịch sử Phật giáo hiển hách đối với thế giới nói chung và đối với dân tộc Việt Nam nói riêng. Thử hỏi, Phật giáo 2600 năm, đến được mức mà Liên hợp quốc tôn vinh là tôn giáo hòa bình và trí tuệ của nhân loại lại được bồi đắp từ những người hành khất chứ không được tu học Phật pháp trong tự viện vì “không giải thoát” hay sao?
Tất nhiên, không thể lấp liếm cho mọi tiêu cực phát sinh từ nội bộ Phật giáo. Nhưng mong mọi người nên bình tâm mà tư niệm, từ cổ chí kim có bất cứ tổ chức, đoàn thể, thể chế nào hoàn mỹ tuyệt đối hay không? Chớ vội gán cho Tăng đoàn vào thời đại dấn thân thành thời đại Mạt pháp, vì mạt pháp là ở nơi tâm con người, chẳng đến từ thời đại. Mình sẽ dẫn chứng:
– Thời này đã ai đi ám sát Tăng thống, Tăng vương hay Pháp chủ đâu. Nhưng vào thời Phật, những thành phần tự “ly khai” Tăng đoàn như Đề Bà Đạt Đa đã làm Tăng đoàn tan rã, khiến một đất nước gặp biến động chính trị, một người con giết cha (A Xà Thế) và chính y đã ám sát đức Phật đến ba lần. Vậy đâu là mạt pháp?
– Câu chuyện hai nhóm tỳ kheo giữa kinh và luật tranh chấp, đồng thời lờ đi cả sự hiện diện của đức Phật, khiến mùa hạ năm ấy ngài bỏ vào rừng an cư một mình. Vậy đâu là mạt pháp?
– Câu chuyện của Chiến Già độn bụng hại Phật là cha đứa trẻ, câu chuyện Toan Đà Lợi bị giết chôn trước cửa tinh xá để vu oan Tăng đoàn hãm hiếp rồi giết hại. Vậy đâu là thời mạt pháp?
– Một vua Lưu Ly đã vì tâm thù hận và ngai vàng quyền lực mà sát hại cả dòng họ Thích Ca, đức Phật chẳng đau lòng ư? Vậy đâu là mạt pháp?
– Việc hàng tỳ kheo ni nhiều lần bị chính xã hội “thời Phật” bắt và cưỡng bức hay bị hãm hiếp giữa chợ như Bạt Đà Ca Tỳ La, Uppalavaṇṇā, hay việc vua dẫn quân bao vây tinh xá để cướp sắc tỳ kheo ni (trích Kinh Luật Dị Tướng) đã diễn ra. Vậy đâu là thời mạt pháp?
– Nếu thời Phật là thuần chánh pháp, vậy tại sao Giới luật ra đời? Vì khi Giới luật ra đời tức đã có người vi phạm. Nếu đã có người vi phạm thì sao được gọi là Chánh pháp?
– Thời Chánh pháp nhưng Phật pháp chỉ truyền bá đi được tiệm cận 1/3 đất Ấn, còn thời Mạt pháp, Phật giáo phổ quát khắp năm Châu. Vậy đâu là Chánh, đâu là Mạt? Nếu nói theo một số phần tử “không nghiên cứu” kỹ càng Phật học, thì Đề Bà Đạt Đa, nhóm Lục quần tỳ kheo đều là Chánh pháp, còn đức Đạt Lai Lạt Ma XIV, đại sư Thái Hư, đại sư Ấn Thuận, thiền sư Thích Nhất Hạnh, v.v. những bậc vĩ nhân làm rạng danh và mang Phật pháp, tâm Từ đến tận trời thuần Công giáo phương Tây đều là Mạt pháp cả.
Và chẳng có chuyện, thời Phật thì Ta Bà thành Cực Lạc đâu.
Từ những điều trên, mình kết luận, Chánh hay Mạt nằm ở nơi tâm con người mà ra. Chớ nói Ma vương thời nay trá hình làm “Ma Tăng” để phá hoại pháp Phật, vì thuở đó, ngay cả đức Phật mà chúng cũng có “ngán” đâu, cần gì phải đợi thời nay, Phật nhập diệt đã gần 2600 năm, nào phải 26 tiếng đồng hồ? Và nếu nghiên cứu pháp Đại thừa tường tận, không hiếm để thấy việc Ma vương (chủ cõi Tha Hóa Tự Tại) đã được hóa độ, trở thành hàng đệ tử hộ pháp trong Phật pháp, như các Kinh Diệt Tội Trường Thọ, Kinh Đại Bát Nhã, v.v. Như vậy, Ma vương nơi nào? Chính nơi tâm của những phần tử không hiểu biết Phật học nhưng lại tỏ ra là bảo vệ “Chánh pháp”, bảo vệ “chân tu” bằng những ngôn từ còn độc hơn axit, bén hơn dao lam theo nghĩa đen, đâm rạch những nhát thật sâu, thật ngọt vào Pháp thân của đức Phật (chẳng ai dùng từ ngữ thô tục và độc địa để chửi bới, thóa mạ bên đối lập bằng những người cuồng tín cực đoan thuộc hiện tượng mới nổi, dẫn chứng tại mạng xã hội). Đúng vậy, họ bảo vệ “Chánh pháp và chân tu” nơi suy nghĩ của riêng họ, thứ mà đối chiếu với Kinh tạng, điều được xem là đại diện cho đức Phật cũng sẽ thấy có phần xa lạ.
Một điều đáng buồn hơn nơi các phần tử chống phá đạo Phật là tính “tiêu chuẩn kép” trong họ quá lớn. Với một chiếc ruột nồi và tấm vải nhiều màu, họ biến chư Tăng thành “Thợ tu” mà chẳng thông qua bất cứ căn cứ nào thuộc Kinh, Luật, Luận. Ai đó đã nói cho họ nghe hai chữ “Ma vương”, ai đó đã mách với họ một từ “Mạt pháp”, ai đó đã tưới vào tư tưởng họ một dòng mực đen ngòm và viết nên dòng chữ “chùa chiền là ám chướng, trụ trì không giải thoát, tiền bạc là ác tặc, chư Tăng là ma quỷ” và chẳng biết họ có hiểu hay không lại nhưng thông qua đó mà che đi bao cái hay, cái đẹp, cái vĩ đại của Phật giáo, khiến họ hồi mã thương mà chỉ mũi giáo đâm một nhát chí mạng thật sâu vào trái tim của Tăng đoàn, vì xem đó là những “Ma tăng”. Đồng thời, họ bắt ép chư Tăng phải ngậm miệng, cúi đầu và chấp nhận những danh từ được gán ghép đầy ác ý và nằm gọn trong vai con rối được điều khiển một cách nhơ nhuốc bởi chính họ chứ tuyệt không được phản biện. Vì phản biện là “sân si”. Mình tự nghĩ vì sao họ “tiêu chuẩn kép” quá vậy? Bởi:
– Nếu đã là “thợ tu”, thì tại sao lại cấm người ta sân si vì người ta có phải thầy tu đâu. Trong khi giới Phật giáo chỉ lên tiếng chứ chưa thấy một “tiếng động” nào cho sự “sân si” cả, chẳng lẽ khi câu chữ hay ngôn từ được hình thành thì đó liền là “sân si”? Đơn giản thôi, vì khi dùng “Phật pháp thật sự” để biện luận, họ cãi chẳng thắng được, vì làm gì họ có nhiều vốn Phật pháp nguyên chất đến thế.
– Còn nếu nói không được “sân si”, vậy tại sao lại mang Tăng sĩ biến thành cái danh từ “Thợ tu” gớm ghiếc ấy, trong khi đầu óc họ chỉ bị dẫn dắt bởi dư luận chứ chẳng chứa nổi nội dung một bài kinh rõ ràng, hoàn chỉnh.
– Nếu đã chụp mũ không căn cứ như vậy, vì sao lại sợ sự phản biện đến từ chư Tăng mà phải dùng từ “sân si” để đánh phủ đầu hay che miệng của quý ngài lại? Tại sao chỉ có ném đi mà thiếu bản lĩnh nhận lại như vậy?
Giả sử căn nhà của ai đó vô duyên vô cớ bỗng dưng bị tạt “mắm tôm”, một thứ vô cùng hôi tanh. Kẻ thủ ác lại bắt chủ nhà phải để căn nhà của anh ta chịu cái họa dơ bẩn chứ không được lau chùi, tẩy rửa, cũng không được luận hỏi nguyên do đến từ đâu. Người chủ nhà một phần oan ức, một phần phải chịu cái mùi kinh tởm kia, một phần bị mang tiếng xấu với bà con chòm xóm nhưng tiệt nhiên không được mở miệng. VÌ MỞ MIỆNG LÀ “SÂN SI”. Thử hỏi, chẳng phải là một “tiêu chuẩn kép” hạ phẩm hàm chứa sự thiếu bản lĩnh thì là gì?
Ở thời của Phật hay bất cứ thời đại nào, sự hùng biện giữa những người có trí được diễn ra bởi việc một bên nói và bên còn lại phải lắng tai mà nghe, giả sử được hỏi thì phải trả lời một cách chân thật, khách quan là biết hay không biết, đúng hay không đúng và vì sao như vậy. Chẳng thể dùng “lý sự cùn” như kiểu “tôi chẳng biết tại sao, nhưng ông sai rồi” được.
Một lần nữa nhắc lại, với những tiêu cực đã sẵn có từ Tăng đoàn, mình không phủ nhận, kính hổ thẹn nghìn muôn, đó là những con người thật tệ. Nhưng việc gì ra việc đó, nếu muốn Tăng đoàn đều thành bậc Thánh thì chẳng ai lại đi đối xử bằng cách gọi người mà mình muốn họ trở thành Thánh là “Thợ tu” hay “thằng trọc”, và gọi đức Phật là “Thích Car Money” cả, đó là sự đại bất kính đội lốt bảo vệ Chánh pháp. Đổ một chén mắm xuống dòng suối, dòng suối ấy sẽ không còn được gọi là tuyệt đối thuần khiết, nhưng không phải vì chén mắm kia mà dòng suối không thể khôi phục hay bị ô nhiễm hoàn toàn được. Thử hỏi, nếu một bệnh viện đã từng cứu sống 1000 con người, nhưng trong số đó đã để cho 9, 10 bệnh nhân không may qua khỏi, thì nếu là quý vị, quý vị sẽ xem đó vẫn là bệnh viện tốt chứ? Vả lại, nếu lại đi đòi hỏi bệnh viện là nơi phải thực hiện công tác khám chữa bệnh một cách hoàn hảo với tỷ lệ chữa khỏi là 100% thì xin hỏi, tại sao mỗi mỗi bệnh viện đều vẫn còn khu vực “Nhà xác”?
Chúng tôi, những người học theo tinh thần Đại thừa, bắt buộc phải học tập tố chất “Vô sở úy”, tức không sợ sệt của chư Phật cùng Bồ tát, không thể phó mặc cho Phật pháp lâm vào cảnh “có miệng mà không thể nói, có oan lại chẳng thể minh được”. Lược thuật nội dung Kinh Giáo Giới Phú Lâu Na thuộc Trung Bộ, ngài đã từng thưa với đức Phật, đại khái rằng, miễn là “Chánh pháp được truyền bá”, dù họ mắng con, dùng gậy đánh con, dùng dao sắc giết con, con đều mang tâm mang ơn đối với họ. Đức Phật đã dạy:
“Lành thay, lành thay, này Phú Lâu Na! Ông có thể sống trong nước Du Na ở phía Tây, khi ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Phú Lâu Na, ông nay hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời”.
Từ điều này, Tăng sĩ vẫn sẽ y chỉ “hãy làm những gì mà các ông nghĩ là hợp thời” từ đức Phật với chỉ mục đích là cải chính, phục hưng sự trang nghiêm của Phật pháp chứ chẳng có ý chống đối hay nhục mạ cá nhân hay tổ chức nào.
Điều được gọi là “Sân si”, xin thưa hãy nhìn lại chính bổn tâm của tự thân, chẳng ai lại đi công kích một người khi họ đang bảo vệ chính họ, rồi lại tự cho mình là không sân si cả, hơn nữa, công kích người khác theo cách nhìn cảm tính và chủ quan chứ chẳng phải lý tính của mình, điều đó giống như việc “gắp lửa bỏ tay người” nhưng tệ hơn là không cho họ quyền được kêu lên “tôi nóng” và quẳng nó xuống. Phải ráng chịu nóng, vì không là “Sân si”.
Bồ tát Quan Âm trong Kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn có rất nhiều hóa thân, trong đó có hai thân là Thiên Đại Tướng Quân cùng Chấp Kim Cang Thần để độ chúng sanh, hai vị ấy liệu sẽ dùng lời ngon tiếng ngọt để khuyến dụ quý vị tu hành hay bảo vệ Chánh pháp ư? Hay ngay đức Tỳ Lô Giá Na cũng có hóa thân phẫn nộ là Bất Động Minh Vương, liệu quý vị nghĩ rằng, với những chúng sanh mà trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát xem là “cang cường” hay Kinh A Di Đà gọi là “đời ác năm trược” ấy, có thể dùng phép im lặng để đối trị hay không? Hay im lặng đến một ngày, Phật pháp sẽ từ Mạt pháp thành Tận diệt pháp. Trích câu nói của Đại đế Napoléon: “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Tự quý vị cảm nhận nhé!

Tóm lại…
Ngài La Hầu La từng bị ném đá đến bể đầu, ngài Ương Quật bị đánh bằng cây đến chết, ngài Mục Kiền Liên bị lăn đá đè và phanh thây bởi ngoại đạo, Phật giáo Ấn Độ bị Hồi giáo tàn sát đến mức biến mất khỏi chiếc nôi của chính mình vào thế kỷ XI, rất nhiều các lần diệt Phật của các vua Trung Hoa, hay gần đây nhất là Pháp nạn năm 1963 với ngọn lửa Thích Quảng Đức cùng rất nhiều Thánh tử đạo. Vậy đó, mà Tăng đoàn, những người vận hành Phật giáo có bao giờ đi cướp của ai, đi thương hại ai, đi chỉ trích hay bài xích ai vô căn cứ đâu. Sao không ai nhìn vào những sự thật lịch sử đau thương ấy của Phật giáo để cảm thông thật nhiều, chẳng ai bỏ công sức ra để học tập Phật pháp đa phương diện để đến mức bị dẫn dắt bởi dư luận tiêu cực và trong phút mốt liền quay lưng với Tăng già chỉ thông qua việc mượn sự “chân tu” đến từ cái nồi với tấm vải.
Chớ nói Tăng sĩ là kẻ được cấp “chứng nhận hành nghề” khi xuất gia, vật đó chỉ để xác nhận Tăng sĩ đã thật sự thọ giới vào thời gian nào một cách đúng như “Giới luật quy định” (những người không rành Luật Phật, chắc chắn không biết chuyện này), tránh việc có kẻ giả mạo tu sĩ với tâm bất chánh mà lừa phỉnh quý vị như Tịnh thất Bồng Lai, Thanh Hải, Trần Tâm là điển hình. Nó như căn cước công dân của quý vị vậy, nếu dân chỉ sinh ra để sống, làm thẻ căn cước để làm gì?
Thưa những phần tử chống phá! Chỉ mong các bạn có cái nhìn thật bao quát, khách quan và đa phương diện. “Ghim một chiếc đinh xuống đại địa, không đâu chẳng phải nơi Bồ tát đã từng ngã xuống vì đem Phật pháp làm lợi ích chúng sanh”, với tinh thần ấy, Tăng sĩ không bao giờ trách cứ các bạn, nhưng xin phép một điều, như các bạn là những người yêu nước, sẽ không khoanh tay khi tổ quốc lâm nguy, thì Tăng sĩ, vừa yêu nước vừa yêu Đạo pháp cùng dân tộc, nên cũng sẽ không ngoảnh mặt khi có kẻ muốn tấn công Pháp thân của đức Thế Tôn, điều đã gắn bó với dân tộc suốt 2000 năm lịch sử.
Như đã dẫn chứng bên trên, phản biện vì sự trong sạch của Phật pháp là điều chẳng gì sai phạm, vì Kinh và Luật đã cho phép việc này. Nếu bỏ mặc cho Phật giáo bị công khai công kích bởi sự thiếu nhận thức, đó là sự hèn nhát của một con rùa rút đầu, một con lừa chỉ ngơ ngơ ngác ngác. Đức Phật là chúa loài sư tử chứ chẳng phải chúa trong bầy cừu, tiếng sư tử hống hùng vang từ gần ba thiên niên kỷ trước sẽ vẫn được giữ gìn và phát đi muôn nơi vào tâm khảm của mỗi người con Phật khắp năm Châu. Tuy nhiên, những loài thú nhỏ sẽ chẳng thể nào thấu đặng tiếng rống của chúa sơn lâm, và chẳng bao giờ, loài chúa trong muông thú như ánh thái dương bị đánh gục bởi tiếng ếch kêu hay tiếng côn trùng rít trong đêm trường tăm tối cả.

 

XEM NHIỀU

27/07/2024 16:13:35

Học nhận lỗi

Tôi nhớ rõ lời Đức Phật dạy: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả; là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được!” (PC.228 - Phẩm Kodhavaggo).
27/07/2024 15:52:39

Câu chuyện: Doanh Nhân và Phật Pháp

Một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng vì sự nhạy bén và quyết đoán trong công việc, một ngày nọ quyết định đến một ngôi chùa nổi tiếng để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn. Sau khi nghe danh tiếng của vị hòa thượng uyên bác, ông quyết định gặp...