Chủ nhật, 21/04/2024 23:11:13 (UTC+7) 90

Ý nghĩa câu thần chú Om Mani Padme Hum

Tú Quỳnh

Tương tự, kinh Lăng Nghiêm cũng nói: “Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình

Tương tự, kinh Lăng Nghiêm cũng nói: “Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai đang tìm sự thanh tịnh vô biên của niết bàn”.

om_mani.jpg

Om Mani Padme Hum là một câu thần chú tiếng Phạn, được xem là thần chú cầu Quán Thế Âm Bồ Tát ( Avalokiteshvara) và là thần chú quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nó còn được mệnh danh là “Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn” tức là “Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ”.

Om: Quy mệnh

Mani: Viên ngọc như ý

Padme: Bên trong hoa sen

Hum: Tự ngã thành tựu

Theo âm Hán-Việt, câu này được đọc là Úm ma ni bát ni hồng hoặc Án ma ni bát mê hồng.

Thông thường người ta không giảng nghĩa thần chú, nhưng ở đây cần nói thêm là: “Ngọc quý” biểu hiện cho Bồ-đề tâm (bodhicitta). “Hoa sen” chỉ tâm thức con người, ý nghĩa là tâm Bồ-đề nở trong lòng người. Tuy nhiên thần chú có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn theo cách trình bày của Kim cương thừa. Đối với Phật giáo Tây tạng thì Om Mani Padme Hum chính là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết-bàn vì lợi ích của chúng sinh. Vì vậy sáu âm tiết của thần chú này cũng được xem là tương ứng với sáu cõi tái sinh của dục giới.

Các thần chú là biểu hiện của âm thanh bắt nguồn từ sự rỗng không. Nó là âm thanh xác thực của khoảng trống không.

Bắt nguồn từ khái niệm về chân lý tuyệt đối và trạng thái rỗng không, câu chú không hiện hữu. Không có âm thanh hay câu chú. Âm thanh và câu chú, như tất cả những dạng biểu thị khác nhau, đều ở vị trí của cõi tương đối xuất hiện từ rỗng không. Trong cõi tương đối, mặc dù âm thanh chính nó không có thực thể, nó vẫn có năng lực để chỉ định, đặt tên, và có sự hoạt động ở tâm thức.

Trong phạm vi tương đối nơi hành động, thần chú được phú cho một năng lực không thể sai lạc.

Các câu chú thường là tên các vị Phật, Bồ Tát, hoặc thần thánh. Ví dụ, OM MANI PADME HUM ( ÁN MA – NI BÁT DI HỒNG) là cách gọi Ngài Quán Âm (Chenrezig). Từ quan điểm tuyệt đối, Chenrezig không có tên, nhưng trong phạm vi ý nghĩa tương đối hoặc nghĩa đen, Ngài có tên gọi riêng. Những tên này là trung gian của lòng từ bi, vẻ thanh nhã, và sức mạnh cùng các nguyện ước của Ngài làm lợi ích cho chúng sinh. Bằng cách niệm danh hiệu của ngài để những phẩm chất tâm thức này được truyền đến ta. Ở đây, việc giải nghĩa về năng lực lợi ích của thần chú, danh hiệu của Ngài; như chúng ta đồng hóa chúng ta với tên họ và những gì liên hệ đến nó, cũng bằng cách này, trên bình diện tương đối, thần chú đồng nhất với vị thần. Cả hai trở thành một thực tại duy nhất. Khi một người niệm chú, người ấy nhận được vẻ thanh nhã của vị thần ; bằng cách hình dung vị thần, vị thánh ấy, người niệm chú nhận được vẻ thanh nhã không khác biệt của các vị thánh.

Thần chú OM MANI PADME HUM đôi lúc được giải thích với những ý nghĩa cầu kỳ và thần bí. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, đây đơn giản chỉ là tên của Bồ Tát Quan Âm được đặt giữa hai âm thanh truyền thống và thiêng liêng, OM và HUM.

– OM: tượng trưng cho thân các vị Phật, các thần chú đều bắt đầu từ âm này.
– MANI: nghĩa là châu báu

– PADME: phát âm theo Sankrit, hoặc PEME trong tiếng Tây Tạng, có nghĩa hoa sen

– HUM: tượng trưng cho tâm thức tất cả các vị Phật và thường là câu cuối trong các thần chú.
– MANI: nói về châu báu mà Bồ Tát Quan Âm cầm trong hai tay giữa và PADME là hoa sen cầm ở tay trái thứ nhì. Khi gọi MANI PADME là gọi tên Ngài Bồ Tát Quán Âm xuyên qua những phẩm hạnh của Ngài.

Khi chúng ta niệm chú, thật ra chúng ta đang tiếp tục lặp lại tên Ngài Bồ Tát Quán Âm. Mặt khác, khi niệm câu chú OM MANI PADME HUM thì có ý nghĩa hơn, vì câu chú này là sự thanh nhã và năng lực tâm thức của ngài Quan âm đã gom sự thanh nhã và từ bi của tất cả các vị Phật và Bồ Tát. Trong cách nhìn này, câu chú được phú cho khả năng vén màn tâm tối, và thanh tịnh hóa tâm thức chúng ta. Thần chú mở mang tâm thức thương yêu và từ bi, đưa đến sự tỉnh thức giác ngộ.

Các vị Bồ Tát và thần chú là một nguyên thể, nghĩa là một người có thể niệm chú mà không cần thiết phải hình dung, tưởng tượng. Niệm chú vẫn có hiệu quả.
Phẩm chất xác thực của mỗi âm trong sáu âm của câu chú được giải thích rất phù hợp.
Trước tiên, hãy để chúng ta xem mỗi âm giúp chúng ta đóng cánh cửa tái sanh đau khổ, một trong sáu cõi hiện hữu của vòng luân hồi:

– OM đóng cánh cửa luân hồi trong cõi trời ;
– MA, cánh cửa cõi thần, A-tu-la
– NI, cánh cửa cõi người
– PAD, cánh cửa cõi súc sanh
– ME, cánh cửa cõi ngạ quỷ ;
– HUM, cánh cửa cõi địa ngục.

Mỗi âm tiết được xem như có ảnh hưởng thanh tịnh hóa :
– OM thanh tịnh hóa bản thân ;
– MA thanh tịnh hóa lời nói ;
– NI thanh tịnh hóa tâm thức ;
– PAD thanh tịnh hóa những cảm xúc mâu thuẫn ;
– ME thanh tịnh hóa điều kiện ẩn tàng ;
– HUM thanh tịnh hóa tấm màn che phủ trí tuệ.

Mỗi âm tiết là một bài cầu nguyện :

– OM lời cầu nguyện hướng về thân thể của các vị Phật ;
– MA lời cầu nguyện hướng về lời nói của các vị Phật ;
– NI lời cầu nguyện hướng về tâm thức các vị Phật ;
– PAD lời cầu nguyện hướng về những phẩm chất của các vị Phật ;
– ME lời cầu nguyện hướng về hoạt động của các vị Phật ;
– HUM gom góp sự thanh nhã của thân, khẩu, ý, phẩm chất, và hoạt động của các vị Phật.

Sáu âm tiết liên hệ đến sáu ba-la-mật, sáu sự hoàn hảo được chuyển hóa :

– OM, liên hệ đến sự rộng lượng ;
– MA, đạo đức ;
– NI, kiên trì, nhẫn nhịn,
– PAD, chuyên cần,
– ME, chú tâm,
– HUM, trí tuệ.

Sáu âm tiết cũng liên quan đến sáu vị Phật, ngự trị trên sáu Phật gia:

– OM, liên hệ đến Ratnasambhava ( Bảo – Sanh Phật)

– MA, Amaghasiddi ( Bất – Không – Thành – Tựu Phật)

– NI, Vajradhara ( Kim Cương Trì/ Phổ – Hiền Bồ Tát)

– PAD, Vairocana ( Lô – Xá – Na Phật)

– ME, Amitabha ( A – Di – Đà Phật)

– HUM, Akshobya ( A – Súc – Bệ Phật)

Cuối cùng, sáu âm tiết liên hệ đến sáu trí tuệ:

– OM = Trí tuệ thanh thản, an bình

– MA = trí tuệ hoạt động

– NI = trí tuệ tự tái sanh

– PAD = trí tuệ pháp giới

– ME = trí tuệ phân biệt

– HUM  = trí tuệ như gương.

Ở Tây Tạng, mọi người thường tụng niệm thần chú của Ngài Quan Âm. Sự đơn giản và phổ thông của thần chú không làm giảm đi sự to tát của thần chú, và còn có giá trị to lớn hơn. Điều này được thể hiện trong câu nói khôi hài sau :

Ở đoạn khởi đầu, không có đau khổ vì không biết,
Ở đoạn giữa, không có lòng tự kiêu vì hiểu biết,
Ở đoạn cuối, không sợ quên câu chú.

Không có sự hiểu biết về lý luận, y học, chiêm tinh học, và những môn khoa học khác là sự đau khổ, bởi vì một người có thể bỏ nhiều năng lực, cố gắng và chấp nhận nhiều mệt mỏi để học hỏi nó. Tuy nhiên, trong vài giây ngắn ngủi đã đủ để học thuộc thần chú của Ngài Quan Âm. Không cần đối diện với đau khổ từ si mê cho đến hiểu biết. Bởi vì vậy, “Ở đoạn đầu không có đau khổ vì không biết”

Một người sau mấy năm học hỏi môn khoa học khó khăn sẽ nhận được danh vọng hoặc chức vị ở xã hội, và họ hoàn toàn hài lòng với bản thân và tin rằng họ giỏi hơn tất cả những người khác. Thần chú đơn giản của ngài Quan Âm giúp cho một người tránh rơi vào tình trạng nói trên. Như vậy, “Ở đoạn giữa, không kiêu ngạo khi hiểu biết”.

Cuối cùng, nếu chúng ta không gìn giữ câu chú, sự hiểu biết mà chúng ta thâu thập được trong y học, chiêm tinh học, hoặc những môn khoa học khác có thể dần dà bị mai một. Nhưng không thể nào quên được sáu âm tiết câu chú. OM MANI PADME HUM. Vậy, “Ở đoạn cuối, không sợ quên câu chú”.

Cũng vậy, từ những bài ghi chú của tôi: “Cơn mưa liên tục làm lợi ích cho Chúng Sinh”

– OM là màu TRẮNG ;
– MA, màu XANH LÁ CÂY ;
– NI , màu VÀNG ;
– PAD, màu XANH DA TRỜI ;
– ME, màu ĐỎ ;
– HUM, màu ĐEN.

Câu chú có thể được tóm tắt như sau: “Tôi cầu xin hiện thân của năm dạng và năm ý thức chuyển hóa, Vị bồ tát sỡ hữu viên ngọc và hoa sen để bảo hộ tôi thoát khỏi những nỗi đau khổ của chúng sinh trong sáu cõi”.

OM MANI PADME HUM là bản tóm tắt của bộ sưu tập kiến thức trực tiếp của tất cả các vị Phật. Những chỉ dẫn bao gồm trong mỗi âm của sáu âm tiết, là bản chất Tinh Thông Bí mật về các vị Phật, là nguồn gốc của tất cả mọi phẩm chất và hạnh phúc sâu sắc, gốc rễ của các thành tựu lợi ích, sung sướng, và là con đường vĩ đại đưa đến những hiện hữu và tự do cao cả.

Tạng ngữ đọc là Om Mani Pémé Hum. Thần chú này tiêu biểu tâm đại bi và ân sủng của tất cả chư Phật, Bồ-tát, nhất là ân sủng của Quán Tự Tại, vị Phật của lòng bi mẫn. Quán Tự Tại (hay Quán Thế Âm) là hiện thân của Phật trong hình thức Báo thân, và thần chú của ngài được xem là tinh túy của lòng bi mẫn của chư Phật đối với hữu tình. Nếu Ngài Liên Hoa Sinh là bậc thầy quan trọng nhất của người Tây Tạng, thì Quán Tự Tại là vị Phật quan trọng nhất của họ, là vị thần hộ mệnh của dân tộc này. Có câu nói nổi tiếng là vị Phật của lòng bi mẫn đã ăn sâu vào tiềm thức Tây Tạng tới nỗi một hài nhi vừa biết nói tiếng “Mẹ” là đã biết đọc thần chú này, OM MANI PADME HUM.

Tương truyền vô lượng kiếp về trước có một ngàn Thái Tử phát tâm Bồ-đề nguyện thành Phật. Một vị nguyện thành Phật Thích Ca mà ta đã biết; nhưng Quán Tự Tại thì nguyện sẽ không đạt thành Chánh giác khi mà tất cả ngàn Thái Tử chưa thành. Với tâm đại bi vô biên, ngài còn nguyện giải thoát tất cả chúng sinh ra khỏi khổ sinh tử luân hồi trong lục đạo. Trước mười phương chư Phật, Ngài phát nguyện: “Nguyện cho con cứu giúp được tất cả hữu tình, và nếu có khi nào con mệt mỏi trong công việc lớn lao này thì nguyện cho thân con tan thành một ngàn mảnh”.

Đầu tiên, Ngài xuống cõi địa ngục, tiến lên dần đến cõi ngạ quỷ, cho đến các cõi trời. Từ đấy Ngài tình cờ nhìn xuống và trông thấy than ôi, mặc dù Ngài đã cứu vô số chúng sinh thoát khỏi địa ngục, vẫn còn có vô số khác đang sa vào. Điều này làm cho Ngài đau buồn vô tận, trong một lúc Ngài gần mất tất cả niềm tin vào lời nguyện vĩ đại mà Ngài đã phát, và thân thể Ngài liền nổ tung thành ngàn mảnh. Trong cơn tuyệt vọng, Ngài kêu cứu tất cả chư Phật. Những vị này từ mười phương thế giới đều bay đến như mưa tuyết để tiếp cứu. Với thần lực nhiệm mầu, chư Phật làm cho Ngài hiện toàn thân trở lại, và từ đấy Quán Tự Tại có mười một cái đầu, một ngàn cánh tay, trên mỗi lòng tay có một con mắt. Ý nghĩa rằng sự phối hợp giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo là dấu hiệu của Đại bi chân thực. Trong hình thức này, Ngài còn sáng chói rực rỡ, và có nhiều năng lực hơn trước để cứu giúp tất cả chúng sinh. Tâm đại bi của Ngài khi ấy còn mãnh liệt hơn nữa, và Ngài lại phát lời nguyện này trước chư Phật: “Con nguyện không thành Chánh giác khi tất cả chúng sinh chưa thành”.

Tương truyền rằng vì đau buồn trước nỗi khổ luân hồi sinh tử, hai giọt nước nướt mắt đã rơi từ đôi mắt Ngài, và chư Phật đã làm phép biến hai giọt nước mắt ấy thành hai nữ thần Tara . Một nữ thần có màu xanh lục, năng lực hoạt động của tâm đại bi, và một nữ thần có màu trắng, khía cạnh như mẹ hiền của tâm đại bi. Tara có nghĩa là người giải cứu, người chuyên chở chúng ta vượt qua biển sinh tử.

Theo kinh điển đại thừa, chính Quán Tự Tại đã cho đức Phật câu thần chú, và đức Phật trở lại giao phó cho Ngài công tác cao quý đặc biệt là cứu giúp tất cả chúng sinh tiến đến giác ngộ. Vào lúc ấy, chư Thiên tung hoa xuống ca ngợi hai Ngài, quả đất chấn động, và không trung vang lên âm thanh OM MANI PADME HUM HRIH.

Có câu thơ về Ngài ý nghĩa như sau:

“Quán Thế Âm như vầng trăng, với ánh sáng mát dịu, dập tắt những thiêu đốt của sinh tử. Trong ánh sáng ấy, đóa sen từ bi – loại hoa nở về đêm – mở ra những cánh trắng tinh khôi” .

Giáo lý giải thích rằng mỗi âm trong sáu âm của thần chú OM MANI PADME HUM có một hiệu quả đặc biệt để mang lại sự chuyển hóa thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của bản thể ta. Sáu âm này tịnh hóa tất cả sáu phiền não gốc, biểu hiện của vô minh khiến chúng ta làm những ác nghiệp của thân, lời, ý, tạo ra luân hồi sinh tử và những khổ đau của chúng ta, trong đó kiêu mạn, ganh tị, dục vọng, ngu si, thèm khát và giận dữ, nhờ thần chú mà được chuyển hóa trở về bản chất thực của chúng, trí giác của sáu bộ tộc Phật thể hiện trong tâm giác ngộ.

Chú thích: Giáo lý thường nói đến năm bộ tộc Phật, bộ tộc thứ sáu là tổng hợp của năm bộ tộc trên

Bởi thế, khi ta tụng thần chú OM MANI PADME HUM thì sáu phiền não nói trên được tịnh hóa, nhờ vậy ngăn ngừa được sự tái sinh vào sáu cõi, xua tan nỗi khổ ẩn tàng trong mỗi cõi. Đồng thời thần chú này cũng tịnh hóa các uẩn thuộc ngã chấp, hoàn thành sáu hạnh siêu việt của tâm giác ngộ (sáu ba la mật): bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Người ta cũng nói rằng thần chú OM MANI PADME HUM có năng lực hộ trì rất lớn, che chở ta khỏi những ảnh hưởng xấu và các thứ tật bệnh.

Thường có chủng tự HRIH của Quán Thế Âm được thêm vào sau câu thần chú, làm thành OM MANI PADME HUM HRIH. HRIH là tinh yếu tâm đại bi của tất cả chư Phật, là chất xúc tác đã khởi động tâm đại bi chư Phật để chuyển hóa các phiền não của ta thành bản chất trí tuệ của các Ngài.

Kalu Rinpoche viết:

Một cách khác để giải thích thần chú này là:

OM là tính chất của thân giác ngộ,

MANI PADME tiêu biểu ngữ giác ngộ,

HUM tiêu biểu ý giác ngộ. Thân, ngữ, ý của tất cả chư Phật được tàng ẩn trong âm thanh của thần chú này.

Thần chú này tịnh hóa những chướng ngại của thân, lời, ý, và đưa tất cả hữu tình đến trạng thái chứng ngộ. Khi tụng thần chú này, mà phối hợp với đức tin và tinh tiến thiền định thì năng lực chuyển hóa của thần chú sẽ phát sinh và tăng trưởng. Quả vậy, chúng ta có thể tịnh hóa bản thân bằng phương pháp ấy.

Đối với những người đã quen thuộc với thần chú này, suốt đời tụng đọc với nhiệt thành và niềm tin, thì Tử Thư Tây Tạng nói, ở trong cõi Trung Ấm: “Khi âm thanh của pháp tính gầm thét như ngàn muôn sấm sét, nguyện cho tất cả tiếng này trở thành âm thanh của thần chú sáu âm”.

Tương tự, kinh Lăng Nghiêm cũng nói: “Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai đang tìm sự thanh tịnh vô biên của niết bàn”.

Những lợi ích của việc trì tụng thần chú của Đức Phật Bi Mẫn thì thật vô biên, giống như bầu trời bao la vô hạn.

Cho dù bạn không hiểu biết nhiều về Pháp, cho dù điều duy nhất bạn biết là Om Mani Padme Hum thì cuộc đời hạnh phúc nhất vẫn là cuộc đời được sống với một thái độ giải thoát khỏi tám mối bận tâm thế tục. Nếu bạn sống cuộc đời mình với thái độ trong sạch thoát khỏi sự tham luyến với cuộc đời này và chỉ đơn thuần trải đời mình trong việc trì tụng Om Mani Padme Hum – thần chú sáu – âm này là tinh tuý của toàn bộ Giáo Pháp – thì đó là Pháp thanh tịnh nhất. Việc trì tụng có vẻ rất đơn giản, rất dễ dàng. Nhưng nếu bạn nghĩ tưởng về những lợi lạc của nó, thì điều đó không hoàn toàn đơn giản. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập tới cốt lõi của những lợi lạc vô biên của nó.

Trì tụng thần chú của Đức Phật Bi Mẫn chỉ một lần sẽ hoàn toàn tịnh hoá sự gãy bể bốn giới nguyện gốc của Biệt Giải thoát và năm nghiệp tiêu cực không bị đứt đoạn.(*)

Trong các tantra cũng đề cập rằng nhờ trì tụng thần chú này bạn sẽ thành tựu bốn phẩm tính để được sinh vào cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà và những cõi Tịnh độ khác; vào lúc chết được thấy Đức Phật và ánh sáng xuất hiện trên bầu trời; chư Thiên cúng dường bạn; và không bao giờ bị tái sinh trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh. Bạn sẽ được tái sinh trong cõi Tịnh độ của Đức Phật hay như một hiện thể tái sanh tốt lành.

Khi một người trì tụng mười chuỗi thần chú một ngày bơi lội, dù trong sông, biển hay một vài sinh loài sống trong nước nào khác, nước chạm vào thân người đó cũng sẽ được ban phước.

Ta cũng được biết rằng bảy đời tổ tiên (cửu huyền thất tổ) của người đó cũng không bị tái sinh trong các cõi thấp. Đó là nhờ năng lực của thần chú, thân được ban phước bởi những người trì tụng thần chú và quán tưởng thân họ trong sắc tướng của thân linh thánh như Đức Quán Thế Âm. Vì thế, thân thể trở nên rất mạnh mẽ, tràn đầy ân phước đến nỗi nó tác động tới tâm thức cho tới bảy đời và kết quả là nếu người ấy chết với một niệm tưởng bất thiện, người ấy sẽ không bị tái sinh trong một cõi thấp.

Vì thế, khi một người mà mỗi ngày từng trì tụng mười chuỗi Om Mani Padme Hum đi xuống sông hay biển, nước chạm vào thân người ấy được ban phước, và sau đó chất nước được ban phước đó sẽ tịnh hoá hàng tỉ tỉ chúng sinh trong nước. Người này cứu giúp những sinh vật trong nước đó thoát khỏi nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi nơi các cõi thấp. Việc ấy thật lợi lạc đến mức khó tin.

Khi một người như thế đi xuống một con đường, gió chạm vào thân người ấy và sau đó tiếp tục chạm vào những côn trùng, nghiệp tiêu cực của chúng được tịnh hoá và nhờ đó chúng có một tái sinh tốt đẹp. Tương tự như vậy, khi một người như thế xúc chạm vào thân người khác, nghiệp tiêu cực của những người đó cũng được tịnh hoá.

Việc một người như thế nhìn ngắm thì thật đầy ý nghĩa; việc được nhìn và xúc chạm trở thành một phương tiện để giải thoát chúng sinh. Điều này có nghĩa là thậm chí hơi thở của người đó chạm vào thân của chúng sinh khác cũng tịnh hoá nghiệp tiêu cực của họ. Bất kỳ sinh loài nào uống nước trong đó một người như thế từng bơi lội cũng được tịnh hoá.

Chúng ta có may mắn lạ lùng là đã gặp được Pháp và có cơ hội để trì tụng và thiền định về Đức Phật Bi Mẫn. Đó là một phương pháp dễ dàng để tịnh hoá bất kỳ nghiệp tiêu cực nào mà ta từng tích tập, không chỉ trong đời này mà còn trong nhiều đời trước nữa.

Bởi chúng ta từng gặp được Phật Pháp và đặc biệt là phương pháp này – sự thực hành Đức Phật Bi Mẫn và trì tụng thần chú của Ngài – nó thật dễ dàng để tịnh hoá nghiệp tiêu cực và tích tập công đức rộng lớn và do đó thành tựu sự Giác ngộ. Chúng ta thật may mắn không ngờ.

Như thế, chẳng còn gì ngu dại hơn việc không chịu sử dụng sự thuận lợi của cơ hội vĩ đại này. Nói chung, chúng ta liên tục xao lãng và phí phạm cuộc đời mình. Không chỉ có thế, mọi hành vi được làm với bản ngã và tâm thức nhiễm ô ba độc tham, sân và si tạo nên nghiệp tiêu cực, là nguyên nhân của đau khổ. Trong cả cuộc đời, không còn gì ngu xuẩn hơn việc sử dụng thân người toàn hảo này chỉ để tạo nên đau khổ.

Ở những nơi như Tây Tạng, Nepal, Ấn Độ, và Ladakh đã có một truyền thống tốt đẹp lâu đời là thực hiện khoá nhập thất Đức Phật Bi Mẫn và trì tụng 100 triệu thần chú Om Mani Padme Hum. Khoá nhập thất được tổ chức ở Viện Chenrezig là kỳ nhập thất như thế lần đầu tiên được tiến hành ở Tây phương và khoá nhập thất đầu tiên trong tổ chức FPMT (Hội Bảo vệ Truyền thống Đại thừa). Việc này xảy ra ở đó mỗi năm một lần – mỗi năm chỉ một lần!

Nếu bạn bị dày vò bởi tội lỗi trong đời mình, bạn có thể khắc phục cảm xúc đó bằng sự tịnh hoá khi tham dự khoá nhập thất này. Khoá nhập thất không chỉ trì tụng các thần chú với các sadhana, mà cũng bao gồm cả việc trì giữ Tám Giới luật Đại Thừa, nếu không mỗi ngày thì ít nhất cũng thường xuyên. Bất kỳ công đức nào mà bạn tích tập trong ngày đó sẽ tăng trưởng gấp 100.000 lần. Việc này trở nên một phương pháp dễ dàng và nhanh chóng để tịnh hoá, tích tập công đức bao la, thành tựu sự Giác ngộ và giải thoát chúng sinh khỏi nỗi khổ không thể tưởng tượng nổi và mau chóng đưa họ tới sự Giác ngộ.

Được tham dự một kỳ nhập thất mani (Thần chú Sáu-Âm) là một điều may mắn khó tin. Cho dù bạn không thể hiện diện trong toàn bộ khoá nhập thất, bạn cũng có thể tham dự hai tháng, một tháng hay ít nhất một vài tuần. Thậm chí bạn có thể chỉ nhập thất một tuần. Tôi đặc biệt hy vọng rằng khoá nhập thất này sẽ được tổ chức tại Mông Cổ, bởi thực phẩm chính của họ là thịt và quá nhiều thú vật bị giết mỗi ngày ở đó. Thực hành này trợ giúp để tịnh hoá điều đó. Sau khi các ngôi chùa của chúng tôi ở Mông Cổ được xây dựng xong, tôi hy vọng rằng hàng ngàn người sẽ tham dự các kỳ nhập thất mani tại đó. Dần dần, tôi mong muốn khoá nhập thất này cũng được tổ chức ở nhiều nơi khác tại phương Tây.

Khoá nhập thất này cũng ban phước cho quốc gia ở đó nó được tổ chức và đem lại rất nhiều sự an lạc, hạnh phúc và thịnh vượng.

Cho dù bạn hiểu biết giáo lý về cách thiền định về Bồ Đề Tâm, bạn vẫn cần thọ nhận những ân phước đặc biệt của vị Bổn Tôn, Đức Phật Bi mẫn. Bạn nhận những ban phước này bằng cách thực hiện việc thiền định và trì tụng mà chúng tôi thực hành trong khoá nhập thất Mani. Như thế, việc trì tụng Om Mani Padme Hum là một phương pháp thể nhập Bồ Đề Tâm – để chuyển hoá tâm bạn thành Bồ Đề Tâm và làm cho việc bạn thiền định về Bồ Đề Tâm được hiệu quả.

Nói chung, theo kinh nghiệm của tôi, ở trụ xứ của tôi tại Solu Khumbu trong rặng Hymalayas tại Nepal, có những người sống cuộc đời họ trong việc trì tụng Om Mani Padme Hum nhưng không có chút ý niệm nào về tánh Không – ngay cả trên chữ nghĩa. Mặc dù họ không thể đọc và thậm chí không biết vần abc, họ có một lòng sùng mộ vĩ đại đối với lòng bi mẫn và Bồ Đề Tâm và sống cuộc đời họ trong việc trì tụng Om Mani Padme Hum. Những người như thế có một trái tim nồng nhiệt, hết sức thiện tâm, vô cùng bi mẫn. Đây là một bằng chúng từ kinh nghiệm của tôi rằng nó hữu hiệu trong việc chuyển hoá tâm thức thành một trái tim tốt lành và bi mẫn.

Không có Bồ Đề Tâm, bạn không thể đem lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Bạn không thể thực hiện những công việc toàn hảo cho tất cả chúng sinh; và bạn không thể thành tựu những phẩm tính toàn thiện về những sự chứng ngộ và ngừng dứt, thậm chí cho chính bạn.

Như thế, mọi người sẽ rất được hoan nghênh khi tham dự khoá nhập thất 100 triệu thần chú Om Mani Padme Hum.

(*) Đây là những nghiệp nặng tới nỗi chúng lập tức chín mùi thành một tái sinh trong cõi địa ngục khi nghiệp đời này cạn kiệt.
Năm nghiệp là: giết mẹ, giết cha, làm thân Phật chảy máu, giết A La Hán và gây chia rẽ trong Tăng Đoàn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

XEM NHIỀU