Thứ ba, 04/06/2024 17:20:01 (UTC+7) 5,467,958

CHÙA XANH – LAN TỎA GIÁ TRỊ NHÂN VĂN VỀ TÌNH YÊUMÔI TRƯỜNG

Nhà báo Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

Thực hiện theo lời Bác Hồ dạy về Tết trồng cây “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”; hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh – “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chương trình “Chùa xanh” do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát động tổ chức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lan tỏa về tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường, nhân rộng phong trào trồng cây xanh.

CHÙA XANH – LAN TỎA GIÁ TRỊ NHÂN VĂN VỀ TÌNH YÊUMÔI TRƯỜNG

Hướng tâm về Đức Phật bằng việc trồng cây xanh

Tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật, chúng ta thấy cỏ cây rất gần gũi trong cuộc sống Ngài. Cây thường được nhắc đến trong Kinh điển, và nhiều loại cây khác cũng gắn bó với cuộc đời Đức Phật: Ngài đản sinh trong vườn Lâm Tỳ Ni, khi mẹ Ngài là hoàng hậu Maya, vịn tay vào cành hoa Vô Ưu; Đức Phật ngồi tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề mà chứng đạo, và Ngài nhập Niết Bàn giữa rừng cây Sa La.

Từ khi Đức Phật nhập Niết Bàn cho đến ngày nay, cây Bồ Đề, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, đã trở thành một trong những nơi chiêm bái của Phật tử. Chính vì vậy, cây Bồ Đề được trồng khắp nơi trên thế giới và tượng trưng cho sự may mắn, hơn thế nữa lá Bồ Đề đã trở thành một biểu tượng tâm linh gắn liền với Phật giáo.

Do vậy, ngày nay Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các cấp rất quan tâm và tuyên truyền sâu rộng tới Phật tử, quần chúng nhân dân về việc trồng cây xanh, và được các tổ chức, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Khi được hiểu về ý nghĩa của việc trồng cây xanh, các Phật tử đều hướng tâm về Phật và hành động theo trái tim của mình bằng việc làm thiết thực trồng thêm cây xanh để bảo vệ môi trường, nhân thêm màu xanh cho cuộc sống.

Cây xanh có vai trò quan trọng trong việc chống hiệu ứng nhà kính hiệu quả. Cây xanh làm sạch không khí, làm cho bầu không khí trở nên trong lành hơn. Cây xanh cung cấp oxy dồi dào cho bầu khí quyển duy trì sự sống trên trái đất…Và không chỉ có vậy, cây xanh còn mang lại giá trị kinh tế, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội của con người nói chung và đời sống Phật giáo nói riêng.

Có thể khẳng định cây xanh là một phần không thể thiếu với cuộc sống, đặc biệt là trong thời đại kinh tế phát triển, với tốc độ đô thị hóa rất nhanh, thì không gian xanh đang ngày càng bị thu hẹp. Nên trồng cây xanh vừa tạo cảnh quan môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đảm bảo tính đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu là việc làm thiết thực.

Người xưa đã từng nói: “Người siêng năng trồng rừng sẽ gặp may mắn, giàu có, trồng một cây xanh là gieo được một cội phúc cho mình”. Nên ta trồng nhiều cây xanh cho đời là ta đã gieo được nhiều cội phúc cho mình, cho con cháu sau này. Do đó, công đức của việc trồng cây xanh cũng có ý nghĩa như những việc công đức khác: Xây chùa, tô tượng, đúc chuông, thuốc, tiền, gạo, phóng sinh chim, cá…

Chùa xanh lan tỏa tới cộng đồng

“Chùa xanh” là một chương trình cộng đồng thu hút sự quan tâm chung tay của xã hội tham gia trồng cây xanh tại các chùa, đền, địa điểm di tích văn hóa. Nhằm góp phần tạo cảnh quan môi trường, không gian văn hóa xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích, đền, chùa,… Bảo vệ môi trường, mang lại bầu không khí trong lành, thanh tịnh cho nhân dân, Phật tử, du khách tham quan.

Đồng thời, góp phần tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể bằng những hành động thiết thực hiệu quả mang lại không gian xanh chốn tôn nghiêm. Thêm một cây xanh được trồng sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay luôn thường trực ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường vì màu xanh của cuộc sống.

Thông điệp của chương trình “Chùa xanh” – Vì môi trường xanh, nhằm phát huy tinh thần chung tay của cộng đồng, của các cá nhân, tổ chức, trong huy động sức mạnh tổng hợp nhân rộng hoạt động trồng cây nhiều hơn nữa để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biển đối khí hậu và ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần quan trọng lan tỏa ý nghĩa của việc trồng cây đến đông đảo các Tăng Ni, Phật tử, nhân dân trong việc cải thiện môi trường sinh thái, phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, mang lại một cuộc sống trong lành và sức khỏe tốt cho mọi người dân.

Với mong muốn của Ban Tổ chức, không chỉ là ở số lượng cây được trồng mà chính là công tác chăm sóc cho cây xanh phát triển, sinh sôi nảy nở và đơm hoa kết trái, trong quá trình tổ chức triển khai đã chủ động và phối hợp rất hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương, sự tham gia ủng hộ tích cực của quý Thầy trụ trì ở các chùa và các tổ chức như: Hội Phật giáo, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, sự đồng hành của các cá nhân, tổ chức, đơn vị doanh nhân, doanh nghiệp, quý Phật tử, nhân dân.

Xác định cây trồng xanh ở không gian văn hóa tâm linh đặc biệt quan trọng. Để mỗi khi đến chiêm bái, vãng cảnh nhân dân, Phật tử, du khách sẽ cảm nhận được ý nghĩa tinh thần ở mỗi loại cây mà liên tưởng về những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Theo đó, trước khi trồng cây ở các Tự viện, Ban Tổ chức chương trình “Chùa xanh” đã thực hiện khảo sát thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu khu vực đó phù hợp với loại cây nào, đồng thời trao đổi với Thầy trụ trì ở các chùa và người có chức sắc ở đền, khu di tích văn hóa, tham khảo các chuyên gia về cây trồng để lựa chọn loại cây có ý nghĩa và phù hợp, theo năm tháng cây sẽ phát triển tạo bóng mát và góp phần cho di tích có một không gian xanh tươi, làm tĩnh tại tâm hồn của các Phật tử, khách thập phương mỗi khi đến chiêm bái, hành hương.

Được khởi phát từ năm 2021, đến nay chương trình “Chùa xanh” của Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã trồng được 10.673 cây xanh tại các chùa, đền như: Chùa Thắng Phúc, Hải Phòng; chùa Đại Tuệ, Nghệ An; chùa Đồng, Thanh Hóa; chùa Kim Dung, Hà Tĩnh; đền Sóc Sơn, Hà Nội, chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh; chùa Phúc Lạc, Hà Nam, chùa Núi Một, Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu; chùa Phước Vân, Đắk Lắk; chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, Cao Bằng; chùa Linh Quang, Điện Biên; chùa Hộ Quốc, Phú Quốc, Kiên Giang; chùa Phúc Lâm Tiên Quán, Hưng Yên; chùa Vạn Linh, Thanh Hóa; chùa Khánh Long, Thanh Hóa và tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Cùng với chương trình “Chùa xanh” hiện nay Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đang phát triển chương trình “Trường xanh”, “Đường xanh” với mong muốn tuyên truyền việc trồng cây xanh sẽ lan tỏa sâu rộng tới cộng đồng xã hội, góp phần hướng tới một Việt Nam xanh và thực hiện mục tiêu Net Zezo vào năm 2050.

Thời gian trôi qua, chỉ còn lại những giá trị văn hóa, lịch sử và cây xanh ở các ngôi cổ tự trên khắp mọi miền của Tổ quốc, cùng những vị tu sĩ trong các Tự viện sẽ tô điểm thêm những giá trị truyền thống của Phật giáo và góp phần tạo nên giá trị bản sắc văn hóa vật thể về không gian xanh, phát triển bền vững./.

XEM NHIỀU

26/07/2024 17:43:52

Phúc đức có phải là biến thể của thuyết Luân hồi – Nhân quả

Du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, từ những năm đầu công nguyên, Phật giáo đã được tín ngưỡng truyền thống của người Việt tiếp nhận, dung hòa và uyển chuyển phát triển qua thời gian, trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong...