Thứ ba, 04/06/2024 16:59:31 (UTC+7) 8,976,600

TA LÀ BẬC TÔN QUÝ Ở ĐỜI

Quảng Tánh

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là Phật ngôn quen thuộc mà chúng ta thường nghe mỗi khi mùa Đản sanh về. Có điều, Phật ngôn này được hiểu và giải thích khác nhau. Chính cụm từ “duy ngã độc tôn” đã khiến cho một số người phân vân vì dường như vẫn còn cái tôi, thậm chí là chất ngất tự ngã.

TA LÀ BẬC TÔN QUÝ Ở ĐỜI

Tìm trong kinh tạng thấy nhiều bản kinh chép “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn”, tạm dịch: “Ta là bậc tôn quý ở đời”. Phật ngôn này khá dễ hiểu, dễ đồng cảm và nhất là thể hiện trọn vẹn phẩm tính vô ngã của bậc Giác ngộ. Đức Phật nói về mình một cách vô tư rằng: Ngài “không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang bằng, chẳng thể bắt chước” và nhất là “Chư Thiên và loài người không thể sánh kịp” với Ngài.

Như vậy thì đích thực Ngài đã vượt thoát thế gian, ra khỏi luân hồi sanh tử, ba cõi không ai bằng nên thực sự tôn quý trong đời.

Kinh Tăng nhất A-hàm (tập I, phẩm A-tu-la) ghi rằng: “Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu có một người xuất hiện ở đời không có ai bằng, chẳng thể bắt chước, đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa. Chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp, tín, giới, văn, thí, tuệ cũng không có ai có thể sánh kịp. Thế nào là một người? Nghĩa là Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Đó là một người xuất hiện ở đời, không có ai bằng, chẳng thể bắt chước, đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa. Chư Thiên và loài người không thể sánh kịp, tín, giới, văn, thí, tuệ đều đầy đủ cả. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy tín kính Phật. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

Đức Phật nói về mình, đúng như những gì Ngài đang có, không một chút thêm bớt. Một bậc thành tựu đại Giác ngộ, chứng đắc giải thoát tối hậu với đầy đủ Tam minh, Lục thông, Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng… thấy rõ ràng “không có ai bằng; chẳng thể bắt chước; đi một mình không bè bạn, không cùng ai trang lứa; chư Thiên và loài Người không thể sánh kịp; tín, giới, văn, thí, tuệ đều đầy đủ” là chân thật tri và chân thật ngữ.

Thấy như thế nào thì nói như thế ấy. Ngài thấy trong thế gian này không ai bằng Ngài, không ai có thể sánh với Ngài về phương diện giác ngộ và giải thoát nên nói “Ta là bậc tôn quý ở đời”. Đó là sự thật! Không hề có chút biểu hiện, dù là nhỏ nhất của bản ngã, tự tôn, tự cao, tự mãn ở đây. Thậm chí chữ “Ta” cũng là cách nói tự xưng, tạm nương theo ngôn ngữ của thế gian để diễn đạt mà chẳng hề có bóng dáng nào của tự ngã trong đó. Nếu Ngài không dùng chữ “Ta” thì xưng là Như Lai, mà Như Lai thì chỉ là bậc đã đến như vậy, không từ đâu đến và cũng chẳng sanh về đâu.

Như hoa sen, ở trong bùn rồi vươn lên khỏi nước mà tỏa ngát hương. Phật sanh ra giữa cuộc đời, ở trong cuộc đời mà chẳng nhuốm bụi trần. Thành tựu giác ngộ tối thượng, bi và trí viên mãn, tự tại vô ngại ở trần gian để làm đẹp cho đời nên Ngài là bậc tôn quý. Vì lẽ ấy mà Đức Phật được ba cõi xưng tôn, trời người đều cung kính. “Độc tôn” hay “vi tôn” cũng không ngoài ý nghĩa bậc tôn quý ở đời.

XEM NHIỀU

27/07/2024 16:13:35

Học nhận lỗi

Tôi nhớ rõ lời Đức Phật dạy: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả; là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được!” (PC.228 - Phẩm Kodhavaggo).
27/07/2024 15:52:39

Câu chuyện: Doanh Nhân và Phật Pháp

Một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng vì sự nhạy bén và quyết đoán trong công việc, một ngày nọ quyết định đến một ngôi chùa nổi tiếng để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn. Sau khi nghe danh tiếng của vị hòa thượng uyên bác, ông quyết định gặp...