Thứ tư, 05/06/2024 04:36:11 (UTC+7) 354,745

PHẬT GIÁO ĐOÀN KẾT, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Tuấn Anh

Nhìn lại lịch sử gần 2000 năm kể từ khi du nhập vào Việt Nam, với tư tưởng từ bi, trí tuệ, Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Thời nào trong lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời, giúp nước.

PHẬT GIÁO ĐOÀN KẾT, PHÁT TRIỂN VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

ThS. Nguyễn Đức Dũng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo Ban Tôn giáo Chính phủ (Đứng thứ 3 từ trái vào)

Năm 1981, thể theo ý chí, nguyện vọng của tăng ni, tín đồ Phật tử cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập. Trong suốt gần nửa thế kỷ, Giáo hội đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, là tổ chức duy nhất đại diện cho Tăng, Ni, tín đồ Phật tử Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước, khẳng định được vai trò, vị thế trong sự hòa hợp, đoàn kết và thống nhất. Hiện nay, Việt Nam có trên 54.900 Tăng, Ni, trên 18.500 cơ sở tự viện, khoảng 14 triệu tín đồ đã quy y và nhiều người có niềm tin Phật giáo (Số liệu tháng 10/2023, Sổ tay Công tác tôn giáo năm 2024, Ban Tôn giáo Chính phủ). Về tổ chức, cấp Trung ương có Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, 12 ban, ngành chuyên môn và 01 Viện Nghiên cứu Phật học. Ở các địa phương đều có Ban Trị sự tỉnh, huyện… Hoạt động đào tạo được thực hiện từ trình độ sơ cấp đến tiến sĩ Phật học. Về hợp tác quốc tế, GHPGVN luôn tích cực tham gia và ngày càng khẳng định vị thế, vai trò quan trọng tại các tổ chức, diễn đàn và hoạt động Phật giáo quốc tế, tích cực hỗ trợ hoạt hoạt động của Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, đăng cai và phối hợp tổ chức thành công 03 Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân của Nhà nước ta.

Với phương châm hành đạo “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, GHPGVN luôn là tổ chức gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện đoàn kết các tôn giáo cùng nhau tích cực xây dựng phát triển đất nước. Giáo hội đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, tích cực vận động, triển khai các hoạt động từ thiện xã hội, chăm sóc người già cả, neo đơn, nuôi dưỡng trẻ tàn tật, mồ côi, hỗ trợ người gặp hoàn cảnh khó khăn, khám chữa bệnh cho người nghèo, tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ, khẳng định Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tôn giáo, trong đó Người đã để lại hệ thống tư tưởng có giá trị sâu sắc về Phật giáo. Kể từ khi Người ký Sắc lệnh thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, đến nay những quan điểm của Người về Phật giáo vẫn vẹn nguyên giá trị.

Thứ nhất, đề cao vai trò của Phật giáo và thành lập Hội Phật giáo Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Phật giáo trước hết là lòng vị tha, cứu khổ, cứu nạn, đề cao tình yêu thương con người và tìm ra con đường mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người, bình an cho xã hội. Người luôn đánh giá cao vai trò của đồng bào Phật tử đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và coi Tăng, Ni, Phật tử là một lực lượng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Với giác quan chính trị nhạy bén và sự mẫn cảm kiệt xuất, Hồ Chí Minh thấy rõ Phật giáo là một điểm tựa vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người. Người nhấn mạnh: “… Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một.”[1]. Tôn chỉ, mục đích của Đạo Phật là xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm được Hồ Chí Minh nâng lên thành truyền thống yêu nước, nhân văn của dân tộc. Người động viên đồng bào Phật tử về lòng yêu thương con người, quên mình vì mọi người, mình vì người khác… để xây dựng đất nước.

Ngày 15-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Hội Phật giáo Việt Nam, đặt trụ sở tại 73 phố Quán Sứ, Hà Nội. Người cũng ghi nhận những cống hiến của Phật giáo, đánh giá cao những đóng góp của Tăng, Ni và đồng bào Phật tử cả nước đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mong đồng bào cố gắng cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, nước nhà độc lập: “Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất, độc lập thành công”[2].  Người bảo vệ đạo Phật, bảo vệ Tăng, Ni: “Thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ Tăng, Ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật”2. Do đó, Hồ Chí Minh chủ trương phải “kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ, đại bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ3 và Người đã thề trước Phật đài tôn nghiêm và toàn thể quốc dân đồng bào nguyện hy sinh thân mình để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phật giáo bị đàn áp, cuộc sống của Tăng Ni, Phật tử bị bóp nghẹt. Để phản đối việc chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Phật đản năm 1963, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn với hạnh nguyện: “Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác. Tro trắng phẳng san hố bất bình”. Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và có câu đối kính viếng Hòa thượng: “Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt. Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”[4]. Hồ Chí Minh cũng lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Tăng, Ni, Phật tử và kêu gọi đồng bào, Phật tử cả nước “không phân biệt sĩ, nông, công, thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng”[5]. Trong “Thư gửi Hội nghị Đại biểu Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam” ngày 28-9-1964, Người nhấn mạnh: Các vị Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo trước đây đã có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà… Chúng ta tỏ lòng đoàn kết với đồng bào Phật giáo ở miền Nam đang hăng hái tham gia cuộc đấu tranh yêu nước và chống đế quốc Mỹ xâm lăng. Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam, đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: “Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”[6].

Thứ hai, mong muốn Phật giáo đoàn kết, phát triển, đồng hành cùng dân tộc

Đạo Phật nổi tiếng với tư tưởng “Lục hòa” (sáu pháp hòa hợp và khi du nhập vào nước ta đã nhanh chóng bám rễ sâu vào đời sống Nhân dân vì nó phù hợp với truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh phát huy cao độ tư tưởng “Lục hòa” của đạo Phật, nên luôn động viên, khích lệ đồng bào Phật tử tinh thần hướng thiện, đoàn kết trong nội bộ và đoàn kết với các tôn giáo khác. Ngày 19-5-1941, Hội Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) được thành lập để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị và tôn giáo yêu nước, trong đó có Hội Phật giáo Cứu quốc, thành một lực lượng cách mạng hùng mạnh để chống kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam lúc ấy là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Trước hành động “đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật” của chính quyền Ngô Đình Diệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Tăng, Ni và các tín đồ Phật tử: “Đã đoàn kết thì càng đoàn kết hơn để góp phần xây dựng hoà bình chóng thắng lợi. Hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ – Diệm và bọn tay sai lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”[7]. Hồ Chí Minh kêu gọi Phật giáo cần tăng cường đoàn kết với các tôn giáo khác để đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đến thành công: “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật; tín đồ Giatô tin ở đức Chúa Trời; cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng”. Vì muốn “cách mạng giành thắng lợi thì người giàu, người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết”[8]. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết nội bộ Phật giáo và giữa Phật giáo với các tôn giáo khác góp phần quan trọng trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy được sức mạnh tổng lực của toàn dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công.

Phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về Phật giáo, Đảng, Chính phủ dành sự quan tâm sâu sắc đến các hoạt động Phật sự như tạo điều kiện để xây dựng các tổ chức Phật giáo trên toàn quốc phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, đáng chú ý là Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ (1946), Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt (1949), Hội Sơn môn Tăng già Trung Việt (1949), sau thống nhất thành Tổng Liên hội Phật giáo Việt Nam… Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, Tổ quốc được thống nhất đã tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành công cuộc thống nhất các tổ chức Phật giáo. Đặc biệt, năm 1981, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Thông tri số 136/TT-TW Về chủ trương thống nhất các tổ chức Phật giáo để thành lập tổ chức Phật giáo chung cả nước….

Với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, hơn 40 năm qua, tăng ni, Phật tử giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế; vững vàng kiên định trên con đường phụng sự theo lý tưởng, đạo pháp dân tộc, chủ nghĩa xã hội; phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và nhân dân cả nước. Chúng ta luôn ghi nhớ những lời căn dặn của Bác Hồ về Phật giáo, góp phần đưa Phật giáo thấm đượm sâu hơn vào đời sống xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, từ bi, bác ái, cùng dựng xây đất nước giàu mạnh, văn minh, hùng cường./.

[1] Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo, Nxb tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr 167.

[2] Hồ Chí Minh: Về Mặt trận dân tộc thống nhất, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1972, tr.39-50.

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tập.2, tr.85.

[4] Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 30-5-2005.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tập.12, tr.744.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tập.14, tr.383.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tập.10, tr.473.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tập.1, tr.56.

 

XEM NHIỀU

27/07/2024 21:59:18

UNESCO công nhận Di sản thế giới cho 7 ngôi chùa cổ

Ban Quản lý Di sản Văn hóa Hàn Quốc (CHA), một tổ chức chính phủ với nhiệm vụ bảo tồn và giới thiệu các di sản quốc gia, đã nộp đơn đề nghị UNESCO công nhận Di sản Thế giới cho 7 ngôi chùa cổ ở nước này.
27/07/2024 21:54:43

Học hạnh của Đất

Nam mô đức Bồ Tát Đại Kiên Đại Hậu Đại Lực Địa Tạng Vương và Tôn Giả Mật Hạnh La Hầu La (C)
27/07/2024 16:13:35

Học nhận lỗi

Tôi nhớ rõ lời Đức Phật dạy: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả; là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được!” (PC.228 - Phẩm Kodhavaggo).
27/07/2024 15:52:39

Câu chuyện: Doanh Nhân và Phật Pháp

Một doanh nhân thành đạt, nổi tiếng vì sự nhạy bén và quyết đoán trong công việc, một ngày nọ quyết định đến một ngôi chùa nổi tiếng để tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn. Sau khi nghe danh tiếng của vị hòa thượng uyên bác, ông quyết định gặp...